Sập 4 dầm cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm (Hà Nội)

* Một công nhân bị bảo vệ công trường hành hung
Sập 4 dầm cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm (Hà Nội)

* Một công nhân bị bảo vệ công trường hành hung

(SGGPO).- Chiều 18-4, tại công trình xây dựng cầu cạn Pháp Vân - Linh Đàm (thuộc địa phận giáp ranh 2 phường Đại Kim, Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội), nối với cầu dẫn cầu Thanh Trì, nằm trên tuyến đường vành đai 3, đã xảy ra vụ tai nạn sập dầm bê tông. Phần bị sập là 4 thanh dầm bê tông bên trái, nối trụ cầu số 73 và 74, dài 33m (theo thiết kế đoạn bê tông nối 2 trụ cầu có 10 dầm).

Đây là phần dầm đúc sẵn, đã được thi công lao dầm từ khoảng tháng 12-2009. Vụ tai nạn không gây thiệt hại về người, do khu vực xảy ra vụ việc đã được thi công xong phần lao dầm và thời điểm vào giờ nghỉ trưa nên không có công nhân. 

Đoạn nhịp dẫn bị sập

Đoạn nhịp dẫn bị sập

Một số người dân sinh sống tại khu vực gần đó còn chưa hết hốt hoảng khi kể lại sự việc. Sau một tiếng động lớn và nhiều tiếng la hét, hiện trường đã là một đống gạch đổ nát, bụi bay mù mịt. Đáng chú ý, hiện trường vụ việc chỉ cách đường giao thông qua Nam Linh Đàm khoảng 30m. Nhiều người dân quanh khu vực tỏ ra bất bình về việc chủ đầu tư cố tình che giấu thông tin. Theo họ, nếu vụ việc xảy ra đúng vào vị trí đường giao thông thì hậu quả sẽ khôn lường...

Liên quan đến vụ việc trên, khoảng 13 giờ cùng ngày, tại khu vực công trình trên xảy ra vụ xô xát. Theo thông tin ban đầu của Công an phường Đại Kim, sau khi vụ sập dầm cầu xảy ra, bảo vệ công trình đã phong tỏa khu vực. Lúc này, anh Đặng Minh Tuân, SN 1960, quê ở Kiến Xương, Thái Bình, là công nhân thi công cầu thuộc Công ty Cầu đường xây dựng Hải Ánh (tham gia thi công cầu cạn Pháp Vân), muốn vào khu vực để làm việc nhưng bảo vệ không cho.

Theo trình báo của anh Tuân tại Công an phường Đại Kim, anh bị 3 bảo vệ dùng gạch đánh gây thương tích, sau đó tiếp tục dùng áo siết cổ, đưa vào phòng bảo vệ để tiếp tục hành hung. Công an phường Đại Kim cho biết đang điều tra vụ việc này.

Tại hiện trường, ông Nguyễn Đức Ý, Giám đốc Công ty Cầu 7 (Tổng Công ty Cầu Thăng Long), chủ thầu thi công, cho biết, thiệt hại do vụ sập dầm khoảng 600 triệu đồng. Về nguyên nhân dẫn đến vụ việc, ông Nguyễn Đức Ý cho biết, hiện chưa thể kết luận chính xác phải đợi kết quả điều tra, thẩm định của cơ quan chức năng và các bên liên quan.

Tuy nhiên, quan sát tại hiện trường có thể nhận thấy có thanh dầm đã bị trượt, rơi khỏi trụ. Theo kỹ thuật, sau khi lao dầm, các thanh dầm phải được chống chặn. Sau khi xảy ra tai nạn, các công nhân đã thay thế thanh chống chặn gỗ bằng các thanh chống chặn bằng thép ống. Về hướng khắc phục hậu quả vụ việc, ông Nguyễn Đức Ý khẳng định công ty sẽ thi công lại đoạn dầm bị sập, bảo đảm bàn giao công trình vào tháng 8-2010.

Được biết, trước đó, cuối năm 2009, cơ quan chức năng đã phát hiện hiện tượng lún, nứt rải rác trên mặt cầu cũng như đường dẫn lên cầu Thanh Trì.

Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng. Cầu có tổng chiều dài 12,8km, tổng mức đầu tư cho cầu 5.700 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA. Cầu nối với đoạn phía Nam vành đai 3 tạo thành tuyến quan trọng của thủ đô Hà Nội. 

MINH - KHÁNH - QUYÊN

Tin cùng chuyên mục