Khánh thành cầu Cần Thơ: Con rồng vươn mình trên đất phù sa

Niềm vui nhân lên gấp bội
Khánh thành cầu Cần Thơ: Con rồng vươn mình trên đất phù sa

Sáng 24-4, tại Cần Thơ, trong không khí chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố khánh thành, thông xe cầu Cần Thơ để chính thức hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của đồng bào hai bờ sông Hậu, ĐBSCL và cả nước. Đây là sự kiện quan trọng đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân các tỉnh ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi cán bộ làm việc trên chuyến phà cuối cùng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi cán bộ làm việc trên chuyến phà cuối cùng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Niềm vui nhân lên gấp bội

Đến dự lễ khánh thành có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Đức Việt, Đại tướng Lê Hồng Anh - Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Lê Văn Dũng - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, lãnh đạo các bộ ngành trung ương, lãnh đạo các địa phương và đông đảo nhân dân vùng ĐBSCL.

Tham dự còn có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba cùng liên danh các nhà thầu Nhật Bản xây dựng cầu Cần Thơ là Taisei – Kajima – Nippon Steel.

Buổi lễ chỉ diễn ra trong 1 giờ nhưng đầy cảm xúc, thắm tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản. Đó là dấu ấn của gần 2.000 ngày đêm với những nỗ lực vượt bậc của các kỹ sư, thợ cầu Nhật Bản và Việt Nam, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương.

“Cầu Cần Thơ khánh thành vào dịp cả nước kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giang sơn quy về một mối - vì vậy niềm vui càng được nhân lên” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xúc động phát biểu.

Sau cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ thông xe đã nối thông phần còn lại vựa lúa ĐBSCL với cả nước, mở rộng cửa và động lực mới cho 7 tỉnh vùng Tây sông Hậu. Vậy là từ đây, tuyến QL 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau không còn trắc trở, không còn bến phà.

“Cầu Cần Thơ là công trình giao thông không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng đối với miền Tây Nam bộ; là biểu tượng sinh động, thiết thực trong tiến trình CNH-HĐH đất nước. Cầu Cần Thơ hôm nay đưa vào sử dụng đã hiện thực hóa ước mơ bao đời nay của đồng bào hai bờ sông Hậu, ĐBSCL và cả nước. Tăng cường giao thông thuận lợi hai chiều giữa TPHCM, Đông Nam bộ với ĐBSCL góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế các tỉnh Nam sông Hậu với hơn 16 triệu dân” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phấn khởi nói.

Thắm tình hữu nghị

Như một mối “lương duyên định mệnh”, phát biểu của các đại biểu tại lễ khánh thành đều nhắc tới 3 mốc thời gian liền kề: 25-9-2004 khởi công xây dựng cầu Cần Thơ; 26-9-2007 sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ và ngày 24-4-2010 khánh thành cầu Cần Thơ. Trong niềm vui của ngày khánh thành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Mitsuo Sakaba đều dành những tình cảm thiêng liêng chia sẻ mất mát cùng gia đình các kỹ sư, công nhân xây dựng khi nhắc lại “khoảng lặng” trong sự cố sập nhịp dẫn.

“Mong rằng qua bài học đau thương (sự cố sập nhịp dẫn – PV), ngành cầu đường Việt Nam có thêm kinh nghiệm khảo sát, thi công đảm bảo an toàn, vươn lên nhanh, làm chủ công nghệ hiện đại” – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương đội ngũ tài công, CB-CNV phà Cần Thơ, cụm phà Hậu Giang đã cần mẫn đưa đón hàng triệu lượt người, kết thúc vai trò lịch sử một cách tốt đẹp.

Lưu thông qua cầu Cần Thơ tối 24-4-2010. Ảnh: TRỌNG NGHI

Lưu thông qua cầu Cần Thơ tối 24-4-2010. Ảnh: TRỌNG NGHI

Đại diện cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản nói một cách hình tượng: “Cầu Cần Thơ như một con rồng vươn mình trên mảnh đất phù sa”! Cầu Cần Thơ - một biểu hiện sinh động của tình hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trong những năm qua chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn. Trong đó có nguồn vốn vay ưu đãi ODA để giúp VN xây dựng và phát triển kinh tế, đặc biệt phát triển hạ tầng giao thông vận tải.

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cảm ơn chính phủ và nhân dân Nhật Bản về những giúp đỡ thiết thực và quý báu trong thời gian qua. Dịp này, Thủ tướng cũng gởi lời cảm ơn đến chính phủ các nước, nhà tài trợ đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng.

Sông Hậu vẫn hiền hòa chảy ra biển. Giã từ 100 năm phà Hậu Giang, giờ đây dòng xe, dòng người được mở lòng cưỡi trên “lưng con rồng” để có thêm cơ hội hưởng được nhiều lộc từ vùng đất phù sa. Đó cũng là ý nguyện mà các kỹ sư người Nhật muốn gởi gắm qua hình hai trụ tháp chính – giống như cái chắp tay đầy chất thiền.

Nôn nao chiêm ngưỡng cầu Cần Thơ 

Những người dân đầu tiên lên tham quan cầu Cần Thơ sáng 24-4. Ảnh: TRỌNG NGHI

Những người dân đầu tiên lên tham quan cầu Cần Thơ sáng 24-4. Ảnh: TRỌNG NGHI

Từ sáng sớm 24-4, dòng người từ các địa phương ở ĐBSCL, TPHCM, Đông Nam bộ, từ các ngả đường kéo về khu vực đường dẫn cầu Cần Thơ, náo nức đón chờ thời khắc khánh thành và được đi trên “cây cầu mơ ước”.

Từ 4 giờ sáng, lão nông Lê Văn Út, 60 tuổi ở xã Tân Long huyện Phụng Hiệp tỉnh Hậu Giang đã dẫn hơn 20 người gồm vợ, con, cháu và bà con lối xóm cùng nhau đi bộ vượt quãng đường hơn 30km lên xem cầu Cần Thơ.

Trong lúc mọi người ngồi nghỉ xả hơi tại nút giao giữa đường dẫn cầu Cần Thơ với QL 1A, ông Út hồ hởi nói: “Biết hôm nay khánh thành cầu, hôm qua, cả xóm nhà tôi ai cũng nôn nao trông cho mau sáng để đi xem cho bằng được. Cả đoàn quyết định đi bộ qua cầu tới bờ Vĩnh Long, rồi mới quay về quê”.

Phía Vĩnh Long, ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã kéo về huyện Bình Minh, Vĩnh Long để chiêm ngưỡng chiếc cầu thế kỷ. Ông Lê Văn Thành (65 tuổi, quê tỉnh Bình Phước) không giấu được niềm vui: “Tôi bảo mấy đứa con chở đi xem khánh thành cầu Cần Thơ nhưng không đứa nào chịu đi vì xa quá. Thế là một mình một xe, tôi chạy từ Bình Phước xuống Cần Thơ để tận mắt thấy chiếc cầu dài nhất Đông Nam Á này. Cầu Cần Thơ đẹp và hoành tráng thật, nhìn từ bờ Bình Minh nó như một con rồng uốn lượn trên dòng sông Hậu”.

Trong dòng người nô nức hướng về cầu Cần Thơ, chúng tôi bắt gặp một cụ già, ngực đeo đầy huân huy chương. Đó là cụ Phạm Hoàng Thanh, sinh năm 1920, trên 60 năm tuổi Đảng. Cụ Thanh bộc bạch: “Cây cầu ước mơ đã thành hiện thực. Ước mơ đó không chỉ của tôi mà là hàng chục triệu người dân miền Tây mình. Có được cây cầu này thì đời sống người dân Cần Thơ, bà con Nam sông Hậu mới thực sự được tốt đẹp”.

Nhóm PV

Sơ đồ hệ thống đường dẫn lên cầu Cần Thơ (phía TP Cần Thơ). Đồ họa: B.T.

Sơ đồ hệ thống đường dẫn lên cầu Cần Thơ (phía TP Cần Thơ). Đồ họa: B.T.

Những chuyến phà cuối ngày 24-4-2010.

Những chuyến phà cuối ngày 24-4-2010.

Khánh thành cầu Cần Thơ: Con rồng vươn mình trên đất phù sa ảnh 6
Chuyến phà cuối cùng qua sông Hậu chiều 24-4. Ảnh: VIỆT DŨNG

Chuyến phà cuối cùng qua sông Hậu chiều 24-4. Ảnh: VIỆT DŨNG

Mời xem video khánh thành cầu Cần Thơ

Khánh thành cầu Cần Thơ: Con rồng vươn mình trên đất phù sa ảnh 8

Video: Minh Sĩ

Tin cùng chuyên mục