Nông nghiệp nông thôn - trụ đỡ an sinh xã hội

Bài 2: Hướng mở việc làm nông thôn

Việc làm ở nông thôn là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn, trợ lực an sinh xã hội. Mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn để giúp nông dân có thể tự tạo việc làm trong nông nghiệp hoặc tìm được việc làm phi nông nghiệp như hình thành các làng nghề, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác...
Bài 2: Hướng mở việc làm nông thôn

Việc làm ở nông thôn là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống nông dân, góp phần xây dựng nông thôn, trợ lực an sinh xã hội. Mục tiêu dạy nghề cho lao động nông thôn để giúp nông dân có thể tự tạo việc làm trong nông nghiệp hoặc tìm được việc làm phi nông nghiệp như hình thành các làng nghề, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác...

Nông dân đi học

Từ năm 2010, Chính phủ đã triển khai đề án đào tạo lao động nông thôn gắn với giải quyết công ăn việc làm cho nông dân, bước đầu thí điểm ở Thanh Hóa và Bến Tre.

Tại Bến Tre, khi bắt tay vào thực hiện đề án, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH Nguyễn Minh Lập cho rằng, trước tiên cần tập trung tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nâng cao nhận thức học nghề và những lợi ích cơ bản từ học nghề, đào tạo nghề phải gắn với việc làm.

Bước đầu thí điểm, Bến Tre đã cấp thẻ học nghề cho nông dân và đào tạo những nghề đang có nhu cầu lớn như: kỹ thuật trồng và chế biến dừa, trồng và sơ chế ca cao, kỹ thuật nhân giống cây, nhân giống thủy sản, chăn nuôi thú y… Sau khóa đào tạo nghề ngắn hạn, gắn với điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, hầu hết nông dân học nghề đều sử dụng được kiến thức của mình, vừa có việc làm, vừa nâng cao thu nhập.

Phát triển các làng nghề, HTX, doanh nghiệp nông thôn là giải pháp quan trọng tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL chế biến chỉ xơ dừa. Ảnh: T.M.T.

Phát triển các làng nghề, HTX, doanh nghiệp nông thôn là giải pháp quan trọng tạo ra việc làm cho lao động nông thôn. Trong ảnh: Nông dân ĐBSCL chế biến chỉ xơ dừa. Ảnh: T.M.T.

Tại Hậu Giang, phương châm tỉnh đặt ra cho đào tạo nghề là gắn liền chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.

Theo bà Trần Thị Mỹ Dung, Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh, thời gian qua, sở đã liên kết với các viện, trường trong khu vực mở các lớp đào tạo nghề như: nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi thú y, trồng trọt (rau sạch và lúa giống), sửa xe gắn máy, sửa máy nổ, điện gia dụng, may công nghiệp, may gia dụng, chằm nón, đan lục bình...

Đồng thời cũng tổ chức các lớp dạy nghề lưu động. Trang thiết bị, máy móc, dụng cụ giảng dạy được đưa đến tận phường, xã; thầy cô giáo đến giảng dạy trực tiếp tại cơ sở. Nhà dân, trụ sở ấp, hội trường UBND phường, xã đều có thể trở thành lớp học. Vườn, ao, chuồng, trại của người dân là điểm thực hành.

Các thầy cô giáo ngoài việc đảm bảo đúng số tiết giảng dạy trong ngày, số ngày học trong khóa, còn trực tiếp hướng dẫn học viên xây dựng các mô hình sản xuất điểm, tận tay chỉ dẫn người lao động tổ chức mở rộng sản xuất; các ban ngành, đoàn thể tư vấn cho học viên về thủ tục vay vốn từ các nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, quỹ xóa đói giảm nghèo; hoặc giới thiệu cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến tuyển dụng lao động.

Từ những lớp học như thế này, nhiều nông dân đã thay đổi cuộc sống. Trước đây, với 1.300m² đất vườn nhưng anh Dương Văn Bé Hai ở ấp 9B, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy loay hoay không biết trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao thì nay, sau khi được tham gia học nghề trồng trọt (rau an toàn) tại địa phương, anh đã phá bỏ vườn tạp, thực hiện chuyên canh dưa leo theo mô hình rau an toàn, nhờ đó mỗi vụ gia đình anh lời hơn 4,5 triệu đồng.

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Bảnh ở ấp 3B xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A trước đây cũng là hộ nghèo. Sau khi học lớp đào tạo nghề nuôi trồng thủy sản, ông đã mạnh dạn áp dụng vào nuôi 1.000 con cá thác lác cườm, 4.000 con cá thác lác. Sau khi thả nuôi 6 tháng, ông thu về khoản lợi nhuận 18,5 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo.

Tại TP Cần Thơ, đào tạo nghề cho lao động ở các quận, huyện ngoại thành luôn được chính quyền quan tâm. Xã Trường Xuân (quận Ô Môn) được chọn triển khai thí điểm mô hình may công nghiệp và sản xuất lúa giống. Hai lớp nghề này được triển khai ở ấp với 60 học viên.

Sau khi kết thúc khóa học 4 tháng, các học viên lớp may công nghiệp được nhận hàng gia công quần áo xuất khẩu cho một công ty may xuất khẩu ở TPHCM có chi nhánh tại TP Cần Thơ, tiền công nhật khoảng 50.000 đồng/người.

Điểm sáng từ các làng nghề

ĐBSCL hiện có hơn 211 làng nghề tiểu thủ công. Thời gian qua, các làng nghề đã góp phần không nhỏ trong quá trình giải quyết việc làm nông thôn và ổn định cuộc sống cho người nghèo. Các làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng mỗi năm; nhiều cơ sở sản xuất tại một số làng nghề đã bước đầu khẳng định được uy tín chất lượng và thương hiệu hàng hóa của mình đối với khách hàng trong nước và quốc tế.

Các làng nghề truyền thống đã trở thành nét đặc trưng riêng cho từng địa phương như: An Giang có làng dệt thổ cẩm, đường thốt nốt; Vĩnh Long có nghề làm gốm; Sóc Trăng có bánh pía, lạp xưởng; Bến Tre có kẹo dừa, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm ra từ cây dừa...

Các làng nghề ĐBSCL đem lại doanh thu hàng ngàn tỷ đồng và đem về hàng chục triệu USD thông qua xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 50 nước trên thế giới. Thu nhập của người lao động tham gia vào các làng nghề phổ thông tuy không cao, bình quân chỉ khoảng 20.000 - 30.000 đồng/ngày nhưng tăng gấp 3 - 4 lần so với khoản thu nhập làm nông nghiệp.

Qua so sánh cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo ở các khu vực có làng nghề thấp hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong cả nước.

Điển hình như HTX Ngọc Bích (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) thu hút trên 4.000 lao động, hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn sản phẩm với trên 200 mặt hàng từ lục bình, bẹ chuối. Đáng kể nhất là Công ty CP Sản xuất - Kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long.

Ngoài 1.000 lao động thường xuyên tại đơn vị, công ty còn tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động từ các cơ sở vệ tinh. Trong đó, riêng Trà Vinh đã có 10 HTX. Trung bình mỗi năm, công ty này thu về xấp xỉ 15 triệu USD. Có những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hơn, kim ngạch xuất khẩu hàng mỹ nghệ cũng đạt đến vài trăm ngàn USD/năm...

Theo Trung tâm Khuyến công tỉnh Bến Tre, hiện nay tỉnh này đã trích nguồn ngân sách gần 250 triệu đồng để đầu tư phát triển mở rộng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa; đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm bánh phồng nếp, mì; đầu tư thiết bị chuốt cọng dừa, chẻ nang phục vụ sản xuất giỏ xách bằng cọng lá dừa.

Tại Sóc Trăng, bước đầu tỉnh đã có hướng đi phù hợp để giữ gìn và phát huy sản phẩm nổi tiếng bánh pía, lạp xưởng. Các cơ sở sản xuất bánh đã liên kết lại với nhau thành lập câu lạc bộ và cùng giúp nhau trong sản xuất, thông tin thị trường để tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Lộ trình thực hiện đề án đào tạo lao động nông thôn

– Giai đoạn 2009 - 2010: Tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng lao động nông thôn, gồm lao động làm nông nghiệp (gồm cả lao động ở các vùng chuyên canh); lao động chuyển sang phi nông nghiệp ở nông thôn; lao động làm việc trong các doanh nghiệp, KCN; lao động trong các làng nghề... với khoảng 50 nghề.

– Giai đoạn 2011 - 2015: Triển khai mở rộng các mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn để thực hiện mục tiêu đào tạo cho 5,2 triệu người. Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 500.000 cán bộ, công chức xã.

– Giai đoạn 2016 - 2020: Đào tạo 6 triệu lao động nông thôn. Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 500.000 cán bộ, công chức xã.

MINH TRƯỜNG – CAO PHONG

>> Bài 1: Sức sống mới nông thôn

Tin cùng chuyên mục