Đồng Tháp chống chọi lũ lớn

Khoảng 3h30 sáng nay, 28- 9, tuyến đê bao Cả Mũi ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã bị vỡ khiến 500 ha lúa vụ 3 bị nhấn chìm trong biển nước. Trước đó, vào chiều ngày 27- 9, tuyến đê ở xã biên giới Tân Hộ Cơ bị lũ phá vỡ phải gia cố khẩn cấp. Hiện tại, mực nước lũ ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục lên rất nhanh đe dọa hàng chục ngàn héc ta lúa vụ 3 của huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. 
Đồng Tháp chống chọi lũ lớn

(SGGPO).-Khoảng 3h30 sáng nay, 28- 9, tuyến đê bao Cả Mũi ở ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đã bị vỡ khiến 500 ha lúa vụ 3 bị nhấn chìm trong biển nước. Trước đó, vào chiều ngày 27- 9, tuyến đê ở xã biên giới Tân Hộ Cơ bị lũ phá vỡ phải gia cố khẩn cấp. Hiện tại, mực nước lũ ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp tiếp tục lên rất nhanh đe dọa hàng chục ngàn héc ta lúa vụ 3 của huyện Tân Hồng, Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự. 

Lũ gây ngập nhiều nhà dân ở vùng biên giới huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Lợi

Lũ gây ngập nhiều nhà dân ở vùng biên giới huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Lợi

Huy động mọi nguồn lực

Từ tối 27 đến sáng 28- 9, hơn 500 người gồm lực lượng công an, bộ đội, biên phòng, dân địa phương… đã tập trung gia cố đoạn đê ở ấp Đuôi Tôm, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng bị vỡ, khiến trên 355 ha lúa vụ 3 khoảng 30 ngày tuổi bị ngập. Vừa gia cố xong thì Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Tân Hồng tiếp tục nhận tin xấu: Đê bao Cả Mũi thuộc xã Tân Thành A bị vỡ lúc 3h30 sáng 28- 9, làm gần 500 ha lúa vụ 3 từ 35- 40 ngày tuổi đã bị nước lũ nhấn chìm.

Đê bao ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bị vỡ sáng 28- 9. Ảnh: Huỳnh Lợi

Đê bao ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp bị vỡ sáng 28- 9. Ảnh: Huỳnh Lợi

UBND huyện Tân Hồng đã huy động cấp tốc hàng hàng người và nhiều phương tiện ứng cứu nhưng do nền đất mềm yếu, áp lực nước quá lớn nên việc gia cố bất thành.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư huyện Ủy Tân Hồng cho biết, 500 ha lúa coi như mất trắng, đời sống của nhiều hộ dân trong các tuyến đê bao bị đe dọa nghiêm trọng. Ngay trong sáng 28-9, huyện ủy Tân Hồng có công văn khẩn về phòng chống lũ gửi ngành chức năng cấp tỉnh và yêu cầu lực lượng huyện tiếp tục huy động tổng lực mọi nguồn lực để cứu các tuyến đê trong toàn huyện.

Lực lượng Bộ đội tỉnh Đồng Tháp giúp dân gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở huyện Tân Hồng. Ảnh: Huỳnh Lợi

Lực lượng Bộ đội tỉnh Đồng Tháp giúp dân gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở huyện Tân Hồng. Ảnh: Huỳnh Lợi

Huyện Tân Hồng cũng đã phát động toàn dân ủng hộ cừ tràm, cừ bạch đàn, vật tư, bao đất… khẩn trương gia cố hàng loạt tuyến đê xung yếu đang bị nước lũ uy hiếm dữ dội. Tình hình hiện nay hết sức cấp bách, mực nước ở Tân Hồng đã vượt mức 5,29 mét và tiếp tục lên cao, do đó hơn 8.000 ha lúa vụ 3 có khả năng bị mất trắng bất cứ lúc nào, mức thiệt hại rất lớn.

Nguy cơ thiếu đói…

Tại kênh Sa Rài – Bình Phú sáng 28- 9, nước lũ từ phía Campuchia đổ về rất mạnh. Ông Nguyễn Văn Minh, chủ 15 công lúa ở khu đê bao ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ lo lắng: “Cứ thấy nước lên cao từng ngày là tụi tui rầu thúi ruột, bởi trên 200 ha lúa khu vực này có nguy cơ thiệt hại rất lớn nếu một chút sơ suất. Dân xứ này sống nhờ vào lúa, nếu lỡ thiệt hại đời sống sẽ rất khó khăn”.

Trung tá Cao Văn Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà, trực tiếp chỉ huy gia cố tuyến đê bao ở 2 ấp Chiến Thắng và Gò Bói cho biết, gần 1 tuần nay chúng tôi trực xuyên suốt ngày đêm bảo vệ tuyến đê dài trên 7,5 mét. Cái khó là tuyến đê này vừa xây dựng nên nền đất mềm yếu, sạt lở và rò rỉ nhiều nơi, cứ gia cố xong chỗ này thì chỗ khác lại bị nước lũ uy hiếm. Trong khi áp lực nước lũ từ bên ngoài quá lớn nên việc gia cố đê hết sức khó khăn. 

Người dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp gia cố tuyến đê bao bị vỡ ở ấp Đuôi Tôm. Ảnh: Huỳnh Lợi

Người dân xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp gia cố tuyến đê bao bị vỡ ở ấp Đuôi Tôm. Ảnh: Huỳnh Lợi

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng toàn xã có khoảng 1.500 ha lúa vụ 3, tất cả đều bị lũ đe dọa nghiêm trọng. Đến thời điểm này người dân đã đầu tư từ 15- 20 triệu đồng/ha, và đang tiếp tục đầu tư thêm kinh phí để bảo vệ lúa. Kế hoạch lúc đầu toàn xã dự kiến sản xuất đến 2.740 ha lúa vụ 3, nhưng do đê bao làm không kịp nên rút lại còn 1.500 ha. Nếu người dân xé rào làm đại trà thì thiệt hại lớn là khó tránh khỏi.

Bà Nguyễn Thị Thành Phú, Phó chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ trăn trở, thời gian chống lũ còn quá dài, trong khi lúa phải hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch. Xã có trên 30% hộ nghèo, nếu lỡ mất mùa lúa thì nguy cơ thiếu đói sẽ rất lớn.

Đồng Tháp chống chọi lũ lớn ảnh 5

Người dân ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng vớt lúa bị thiệt hại do vỡ đê sáng 28-9. Ảnh: Huỳnh Lợi

Báo động… khẩn cấp

Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão- Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp lo ngại khi mực nước lũ từ thượng nguồn kết hợp với triều cường đổ về rất mạnh với cường suất từ 3- 19 cm/ngày. Mực nước nhiều nơi trong tỉnh đã xấp xỉ đỉnh lũ năm 2000, trong đó mực nước ở huyện Tân Hồng đã vượt mức 5 mét. Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp thở dài, nếu như tuần trước tình hình rất ổn định, thì vài ngày nay mực nước lên quá nhanh khiến mọi chuyện đảo lộn. Trên 25.000 ha lúa vụ 3 đang hết sức nguy cấp bởi nhiều tuyến đê nước lũ đã ngấp nghé, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào.

Người dân huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp dọn nhà chạy lũ

Người dân huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp dọn nhà chạy lũ

Căng thẳng nhất 17.000 ha lúa ở các huyện Tân Hồng, Hồng Ngự, Tam Nông, Thanh Bình và thị xã Hồng Ngự liên tục bị lũ tấn công làm nhiều đoạn đê bị nước tràn vào. Hiện tại nhiều trà lúa chưa đầy 1 tháng tuổi, do đó nếu xảy ra vỡ đê thì chuyện mất trắng sẽ khó tránh khỏi. Theo  khảo sát mới nhất cho thấy, lúa vụ 3 ở Đồng Tháp đang phát triển rất tốt, dự kiến năng suất không dưới 5- 6 tấn/ha, cộng với giá lúa dao động ở mức cao. Vì vậy nếu xảy ra sự cố vỡ đê thì con số thiệt hại ở Đồng Tháp lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trực tiếp kiểm tra tình hình lũ ở vùng biên giới Tân Hồng, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp động viên chính quyền địa phương, lực lượng công an, bộ đội, người dân… tăng cường gia cố đê bao, tuần tra liên tục phát hiện kịp thời những nơi xung yếu để xử lý ngay. Hiện tại mực nước giữa bên trong và bên ngoài đê chênh lệch rất lớn từ 4- 5 mét trở lên, cộng với trời mưa, nước lũ về nhanh… gây ra áp lực vỡ đê cực lớn. Chính vì thế, UBND tỉnh đã điều động hơn 1.000 người gồm lực lượng công an, bộ đội, biên phòng… kết hợp cùng người dân địa phương liên tục gia cố đê cứu lúa.

Chiều 27-9, UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn về việc ứng phó với lũ đặc biệt lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Lợi

Gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp. Ảnh: Huỳnh Lợi

Theo đó, tập trung huy động lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị nhằm bảo vệ an toàn tính mạng người dân, bảo vệ các công trình cơ sở hạ tầng, diện tích lúa vụ 3 chưa thu hoạch. Tập trung thiết bị, nhân lực thu hoạch ngay diện tích lúa vụ 3 vừa chín tới, tổ chức xả lũ vào các khu vực ruộng đã thu hoạch để giảm áp lực lũ cho các huyện đầu nguồn. Các huyện theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn, diễn biến lũ và các dự báo hàng ngày, thông báo liên tục  về tình hình lũ lụt, thiên tai và các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy  và chính quyền các cấp, để người dân biết chủ động ứng phó. Song song đó, bố trí lực lượng trực cứu hộ cứu nạn ở những nơi xung yếu sẵn sàng cứu người khi có tình huống xảy ra. Tăng cường kiểm tra an toàn giao thông thủy, đặc biệt tại các bến đò, cửa kênh rạch nước chảy xiết. Tổ chức đưa rước học sinh đến trường an toàn; cho học sinh nghỉ học tại những điểm trường bị ngập nền, đi lại khó khăn… nhanh chóng di dời những hộ dân tại những vùng ngập sâu, vùng sạt lở nghiêm trọng đến nơi an toàn. Triển khai cứu trợ cho những hộ nghèo và hỗ trợ những hộ bị thiệt hại do thiên tai gây ra nhanh chóng khắc phục hậu quả. Chăm sóc tốt sức khoẻ người dân trong mọi tình huống.

UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo vệ an toàn tính mạng người dân bởi diễn biến lũ đang hết sức phức tạp. Bên cạnh đó, cố gắng hết sức bảo vệ lúa vụ 3 hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do lũ. Các sở ngành, huyện thị… hạn chế hội họp, dành thời gian trực tiếp xuống địa bàn để chống chọi với lũ lớn.

Sau mấy năm lũ nhỏ thì nay Đồng Tháp đang đối mặt với lũ lớn và hiện vào giai đoạn lũ lên nhanh, tình hình rất căng thẳng.

HUỲNH PHƯỚC  LỢI

Tin cùng chuyên mục