Hành động sai trái của nhiều chủ xe, tài xế ở Khánh Hòa: Chặn xe chở mía, đòi tăng cước vận chuyển

Lập chốt chặn trái phép
Hành động sai trái của nhiều chủ xe, tài xế ở Khánh Hòa: Chặn xe chở mía, đòi tăng cước vận chuyển

Một số chủ xe, tài xế xe tải trên địa bàn thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã dùng “hạ sách” - lập ra các chốt chặn trái phép, ngăn cấm các xe tải chở mía đến Nhà máy đường Cam Ranh, nhằm ép nhà máy tăng cước vận chuyển. Việc làm này ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy đường và thiệt hại cho các hộ dân trồng mía.

Nhiều xe đã chất đầy mía nhưng vẫn nằm tại ruộng, chưa biết ngày nào được nhập cho nhà máy đường.

Nhiều xe đã chất đầy mía nhưng vẫn nằm tại ruộng, chưa biết ngày nào được nhập cho nhà máy đường.

Lập chốt chặn trái phép

Ngày 10-3, tin báo từ Công ty Đường Khánh Hòa, đơn vị quản lý Nhà máy đường Cam Ranh cho biết, hàng trăm xe tải chở mía cho Nhà máy đường Cam Ranh bị một số người ngang nhiên ngăn chặn, thậm chí các tài xế bị đánh đập nếu chở mía đi.

Có mặt tại Ninh Hòa, theo quan sát của chúng tôi có ít nhất 3 điểm chốt chặn do một nhóm người dựng lên, trong đó, điểm chốt tại ga Phong Thạnh (phường Ninh Lộc, Ninh Hòa), điểm nằm ngay trên QL1A là đáng nói nhất. Tại đây, tập trung cả chục thanh niên trong độ tuổi 18-35, khi phát hiện có xe chở mía từ thị xã Ninh Hòa đi Cam Ranh là họ ngăn chặn, buộc quay trở lại.

Tài xế tên Luân, chuyên chở mía từ Ninh Hòa vào Cam Ranh cho biết, dù xe anh đã cố chạy vào khuya đêm 9-3, nhưng khi vừa đi qua Ninh Hòa thì phải quay về vì bị cảnh báo: nếu cho xe chạy sẽ phá nát xe. Theo anh Luân, trước đó một ngày có tài xế chở mía từ huyện M’Đrắc (Đắc Lắc) xuống, do cố tình vượt chốt nên bị đập vỡ kính xe.

Được biết, các chốt chặn xe này đã lập ra từ ngày 9-3. Ngày đầu, họ “nhẹ nhàng” thông báo với các chủ xe là ngày kế tiếp không được chở mía vào Nhà máy đường Cam Ranh, nếu không nghe sẽ nhận hậu quả.

Tài xế Sơn, quê huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chủ xe mía 74k98..., cho biết, xe anh chạy từ Đắc Lắc xuống lúc 13 giờ chiều ngày 10-3, nhưng vẫn đang bị kẹt tại đây. Một người bạn chạy cùng tuyến, do liều vượt chốt, nay dở khóc dở mếu vì không dám quay đầu xe trở ra, đành ngủ lại quán cơm tại thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa.

Theo phản ánh của các chủ xe tải, lâu nay, cước vận chuyển vẫn thấp, trừ chi phí xăng dầu, không còn lãi bao nhiêu. Vụ mía năm nay họ càng “méo mặt” vì giá xăng dầu tăng. Để bù đắp, các tài xế thường chở gấp đôi tải trọng cho phép, nhưng từ đầu năm đến nay, CSGT, Thanh tra Giao thông làm gắt, xe quá tải bị lập biên bản, phạt và thu bằng lái, nên chỉ có cách phải làm “áp lực”.

Việc chặn xe mía đồng loạt như trên không phải lần đầu, năm 2009 đã xảy ra tương tự. Sau đó, phía nhà máy đường cũng đã tăng giá cước, và lần này họ lại giở “chiêu” cũ. Tài xế Tuyên, một thành viên tham gia chặn xe chở mía cho biết, làm thế này là việc “bất đắc dĩ”, họ muốn các tài xế đồng lòng để “ép” Nhà máy đường Cam Ranh tăng cước vận chuyển, và “có tiếng nói” với CSGT, thanh tra giao thông “nương tay” cho các xe chở mía dịp cao điểm này!

Dân chịu thiệt

Mía thu hoạch, không vào được nhà máy, lại chất đống ngoài đường, ngoài ruộng, thiệt thòi nhất chính là những nông dân. Chạy dọc tuyến quốc lộ 26B, đi qua địa bàn các xã Ninh Sim, Ninh Tây, Ninh Xuân, hai bên đường, hàng trăm đống mía đã úa vàng; xe tải chất đầy mía nối đuôi nhau nằm chờ.

Tài xế Nguyễn Thanh Lâm (Ninh Tây), bức xúc: “Xe mía gần 20 tấn, phải nằm phơi nắng cả 2 ngày nay và không biết chờ bao lâu. Đây là xe mía của gia đình, nhưng cũng bị cấm chuyển vào nhà máy. Mỗi ngày xe nằm lại, lượng đường trong mía sẽ giảm. Mỗi tấn mía mất 100.000 đồng, nếu xe 20 tấn, mỗi ngày mất 2 triệu đồng, đó là chưa kể trọng lượng mía sẽ giảm kinh khủng và thiệt hại nhân lên gấp đôi”.

Trên 1.400ha mía các huyện M’Đrắc (Đắc Lắc), và Ninh Hòa (Khánh Hòa) đang vào chính vụ, chậm một ngày là mất đi tiền triệu. Trên cánh đồng mía những ngày này thưa thớt bóng người thu hoạch.

 Chị Đỗ Thị Mỹ, thôn Tăng Khánh 2 (Ninh Sim) cho biết: “Gia đình tôi có 7ha mía, đến kỳ thu rồi nhưng không có xe chở. Các ruộng khác cũng vậy, nếu không khai thác kịp thời, chỉ trong một tuần nữa, năng suất và chất lượng sẽ giảm 1/3. Hơn thế, nếu mấy ngày tới trời đổ mưa xuống, người dân khốn khổ hơn vì gánh thêm khoản phí tăng bo từ ruộng ra đường, mất vài triệu đồng một xe loại 15 tấn”.

Mới đây, để tăng tiền phí vận chuyển cho các chủ xe, Nhà máy đường Cam Ranh đã 2 lần giảm giá mua mía của bà con. Theo đó, 2 lần giảm mất 40.000 đồng/tấn mía, trong khi đó giá cước chỉ tăng khoảng 5.000 đồng/tấn nên các chủ xe vẫn không hài lòng.

Hiện nay, người dân rất lo lắng, khi Nhà máy đường Cam Ranh không đủ nguyên liệu vận hành, sẽ phải ngưng hoạt động, điều đó đồng nghĩa với việc mía của người dân không tiêu thụ được, nguy cơ sụt giảm năng suất và chất lượng là hiển nhiên.

  • Ông Đỗ Thành Liêm, Giám đốc Công ty Đường Khánh Hòa cho biết:

Bình quân mỗi ngày Nhà máy đường Cam Ranh tiếp nhận khoảng 250 xe mía, nhưng 3 ngày nay chỉ có vài chục xe (chủ yếu xe của công ty) vào được, số khác bị chặn lại, khiến nguyên liệu cho nhà máy thiếu trầm trọng. Sau khi sự việc xảy ra, công ty đã có văn bản báo cáo với Công an thị xã Ninh Hòa. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Trần Hữu Tượng, Trưởng Công an thị xã Ninh Hòa, cho biết đã tiến hành kiểm tra sự việc, mời một số đối tượng có hành vi chặn xe lên nhắc nhở, cảnh cáo. Nếu tình hình không được cải thiện, vẫn tiếp tục, sẽ có biện pháp mạnh hơn để xử lý.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục