Miền Trung hứng chịu lũ lớn

Hà Tĩnh: Lũ cô lập hàng ngàn hộ dân
Miền Trung hứng chịu lũ lớn

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hiện lũ trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình đang lên nhanh, riêng sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng xảy ra lũ đặc biệt lớn. Đến trưa, chiều 16-10, mực nước trên sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt có khả năng lên mức 9,5m, trên báo động 2; sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm lên mức 11,5m, ở mức báo động 2; sông Kiến Giang tại Lệ Thủy lên mức 2,5m, trên báo động 2 là 0,3m; sông Gianh tại Mai Hóa lên mức 8,5m, trên báo động 3 là 2m.

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình lũ ngập sâu. Ảnh: MINH PHONG

Xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình lũ ngập sâu. Ảnh: MINH PHONG

Hà Tĩnh: Lũ cô lập hàng ngàn hộ dân

Từ tối ngày 15 đến 16-10, tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp có mưa to, đặc biệt tại huyện miền núi Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn lượng mưa đạt đỉnh hơn 400mm. Kết hợp với việc Nhà máy thủy điện Hố Hô xả tràn từ 1.500 -1.700m³/giây; Nhà máy thủy điện Hương Sơn xả 50 - 70m³/giây, hồ Kẻ Gỗ xả 100 - 150m³/giây… càng khiến mực nước trên các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, Ngàn Trươi lên rất nhanh vượt mức báo động 2, 3. Các huyện này hiện đang bị ngập lũ nghiêm trọng trên diện rộng.

Theo Ban Chỉ huy PCLB-TKCN huyện Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang đến 18 giờ chiều 16-10, đã có hơn 5.000 hộ dân bị ngập sâu trong nước từ 1,5 - 3m, bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài. Khoảng 7 giờ sáng 16-10, tại huyện Hương Sơn có 1 người bị lũ cuốn chết là ông Hồ Hữu Lành (ngụ ở xóm 7, xã Sơn Diệm), ngoài ra có 2 người khác đang mất tích là anh Nguyễn Văn Danh (18 tuổi, ở thôn Hạ Vàng, xã Sơn Kim 2) và Nguyễn Thị Thiện (xóm Kim Cương, xã Sơn Kim 1).

Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Tĩnh đã cho hơn 289.000 học sinh toàn tỉnh được nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tuyến QL8A (đặc biệt từ km 71 đến km 85) đi qua huyện Hương Sơn, cách cửa khẩu quốc tế Cầu Treo khoảng 5 - 7km về phía Đông nội địa, hàng ngàn mét khối đất đá từ trên vách núi cao sạt lở đổ sập xuống choán hết lòng đường. TP Hà Tĩnh bị ngập chìm trong nước lũ gần 1m, giao thông tê liệt. 

Quảng Ngãi: Lo vỡ hồ đập

Nhiều hồ đập trên địa bàn Quảng Ngãi được xây dựng hơn 40 năm, sau bão số 11 đang “rung rinh” đe dọa có khả năng vỡ. Mực nước của hồ chứa nước Vực Thành ở xã Trà Phú (Trà Bồng) hiện đã vượt tràn hơn 15cm. Tại hồ chứa nước Đá Bàn (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức), nước hiện đã đạt 80% dung tích. Cùng với hồ chứa nước Hàm Rồng và Vực Thành thì hiện tại, toàn tỉnh có 32 hồ chứa nước đang bị hư hỏng nặng, dễ mất an toàn, nhất là khi mưa lớn còn tiếp tục kéo dài trong 2-3 ngày tới.

Người dân xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình tìm nơi trú ẩn.

Người dân xã Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình tìm nơi trú ẩn.

Trong khi đó, tại tỉnh Kon Tum, mưa lớn đã làm ngập, hư hỏng gần 200ha lúa đến kỳ thu hoạch. Nước lũ cuốn trôi 3 cầu treo đi vào các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện Ngọc Hồi và Đăk Hà. Tại khu vực cầu Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô), nước ngập khoảng 1m, cây cối dồn về nhiều, nước sông đang dâng cao. Tại huyện Sa Thầy, cầu tràn làng Lung nước dâng ngập đường khoảng 1m, người và phương tiện không thể lưu thông; 3 xã Ya Ly, Ya Tăng, Ya Xiêr bị cô lập.

Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện khẩn gởi các địa phương, bộ ngành đề nghị kiểm tra, rà soát các khu dân cư đang sống ở vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt các khu vực đang có diễn biến sạt lở; tổ chức sơ tán dân để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại những khu vực bị ngập sâu, các bến đò, ngầm qua đường để hướng dẫn người, phương tiện qua lại. Tổ chức kiểm tra hồ, đập trên địa bàn, bố trí lực lượng thường trực tại các công trình xung yếu, phát hiện và xử lý ngay những sự cố; sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du trong mọi tình huống...

* Sáng 16-10, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn các bộ, ngành Trung ương kiểm tra thực tế thiệt hại bão số 11 gây ra trên địa bàn Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời hỏi thăm ân cần đến tất cả những người dân bị thiệt hại do bão. Chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các địa phương miền Trung, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sẽ đề nghị Trung ương có phương án hỗ trợ cho từng địa phương và các ngành kinh phí để khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trước mắt từng địa phương phải chủ động tính toán phương án, kinh phí khắc phục về hạ tầng giao thông, hệ thống cây xanh, hỗ trợ người dân khắc phục nhà cửa; chủ động hỗ trợ gạo, giống, thuốc cho những vùng đang rất cần cho sản xuất, trồng trọt, chữa bệnh. Về lâu dài, Phải tính toán đến việc đầu tư vững chắc. Cụ thể, lợp mái tôn phải có phương án lợp thật chắc để những mùa mưa bão sau không thiệt hại nữa. Hay việc trồng cây, phải trồng cây gì để chịu đựng được luồng gió lớn, ít bị gãy đổ, nhất là những TP lớn.


* Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, theo thống kê sơ bộ, bão số 11 đã làm 4 người chết tại Quảng Nam và Đà Nẵng, 5 người mất tích ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, 69 người bị thương tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Trị và Nghệ An do sập cửa nhà và cây đổ. 

Ngoài ra, bão số 11 cũng làm chìm 41 tàu, thuyền và hư hỏng 35 phương tiện ở Quảng Nam và Quảng Ngãi; hơn 16.300 nhà bị sập, hư hỏng và tốc mái; gần 2.250 nhà bị ngập; gần 110 trường học bị tốc mái; đổ 190 cột điện; hư hại 662ha lúa, hoa màu và trên 5.000ha cây công nghiệp.

NHÓM PV


Quảng Bình: Gánh 4 đợt thiên tai trong 50 ngày

Toàn tỉnh Quảng Bình bị chia cắt nặng nề trong trận lũ mới nhất vào ngày 16-10. Đây là đợt thiên tai thứ 4 trong vòng 50 ngày. Trước đó là trận lũ vào cuối tháng 8, tiếp đến là bão số 10 với cấp gió kinh hoàng cùng trận lũ sau bão và nay là cơn lũ rất lớn. Một số nơi đã vượt mốc lũ lịch sử năm 2010. Hàng chục ngàn hộ dân bị ngập chìm trong nước...

Chợ Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình ngập nặng. Ảnh: MINH PHONG

Chợ Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình ngập nặng. Ảnh: MINH PHONG

Vỡ đê, lũ quét kinh hoàng

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 11 đổ bộ miền Trung và không khí lạnh đổ về, miền Tây Quảng Bình bị mưa phủ kín, trắng xóa, lượng mưa nhiều nơi đo được hơn 500ml. Ông Nguyễn Văn Huyền, Bí thư Đảng ủy xã Phúc Trạch, hét trong điện thoại: “Mưa hơn 500ml khiến đê thượng nguồn sông Ngọn Rào bị vỡ, lũ quét toàn bộ xã, hàng ngàn hộ dân bị ngập trong 4 - 6m nước. Lũ lên rất nhanh, từ 4-5 giờ sáng 16-10, chỉ một giờ đồng hồ lên 2m, sau đó nước tống mạnh, nhiều hộ dân bị lút nóc nhà, nhiều gia đình bị phá tường toang hoác, lũ cao hơn lũ lịch sử năm 2010 hơn 1m”.

Dọc sông Son, cảnh tượng lũ dâng ngập gần như tái diễn lũ lịch sử năm 2010. Lên địa phận xã Phúc Trạch, mọi thứ chìm trong biển nước. Thuyền máy vào nhà bà Nguyễn Thị Hoa (61 tuổi), căn nhà bị nước thổi tanh bành, nước giữa đêm ngập gần nóc, bà Hoa cùng 2 con tuông mái nhà ra bè chuối chạy lũ, để lại căn nhà trống hoác. Khi chúng tôi có mặt, lũ đã rút bớt một phần, mấn nước bạc còn in hằn trên chiếc đồng hồ chết lúc hơn 2 rưỡi sáng. Bà Phạm Thị Hoài, ở thôn 2 Thanh Sen, nói: “Nước vô cả đêm, chẳng ai kịp trở tay, lúa gạo trong mùa bị chuột phá ngoài đồng, bòn mót được ít bỏ trong nhà thì chừ lũ lụt cướp mất, trắng tay rồi”.

Xã Sơn Trạch nằm dưới nguồn xã Phúc Trạch cũng chung cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Hòa, Bí thư xã, nói: “Gần như lặp lại lũ lịch sử 2010. Dân trở tay không kịp. Nước hỗn lắm, ba chục phút mà lên hơn mét nước, không chạy được gì”.

Vỡ đập, lũ quét làm vỡ tường nhà dân ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Vỡ đập, lũ quét làm vỡ tường nhà dân ở xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình.

Thiệt hại nặng nề

Đến chiều 16-10, mưa lớn đã gây ngập lụt ở nhiều nơi. Tại huyện Bố Trạch, hai cô giáo Nguyễn Thị Lộc (28 tuổi), quê Lộc Ninh và Nguyễn Thị Đinh Hương (37 tuổi) quê Đồng Sơn (Đồng Hới) đã bị lũ cuốn trôi khi đi từ xã Liên Trạch qua xã Hưng Trạch. Đã có 3 người chết do lốc xoáy là anh Phan Xuân Sơn, 48 tuổi; anh Mai Xuân Thụ, 43 tuổi và bà Ty, 55 tuổi, cùng đó là 26 người bị thương. Huyện Quảng Trạch có hàng chục ngàn hộ dân dọc sông Gianh đã bị lũ cô lập, 12 xã cùng Nam của huyện bị lũ dâng ngập sâu từ 1-6m. Trong khi đó, tại huyện Tuyên Hóa, có 207 nhà bị lũ quét, 3.083 nhà, 20 trường học bị ngập rất nặng. Huyện rẻo cao Minh Hóa, sập cầu treo tại xã Hóa Thanh, hơn 2.000 hộ dân bị lũ vây ngập hoàn toàn. Giao thông đi lại nhiều đoạn đường Hồ Chí Minh bị ngập, đặc biệt đoạn qua xã Thượng Hóa ngập sâu 3m, thị trấn Quy Đạt ngập 1m, quốc lộ 12A (đoạn Khe Ve) ngập 0,7m, cầu Cha Lo 3 ngập 2m, đường 15 (ngầm Bùng, ngầm Vĩnh Tuy) ngập 2m, tắc đường, đường 16 (đoạn Bang, Khe Sứt, khe Chu Kê) bị tắc đường, đường sắt đoạn qua xã Văn Hóa bị ngập, tắc; đường sắt từ ga Lệ Sơn - Đồng Lê có 3 vị trí bị sạt lở nền đường nặng, các đoàn tàu Thống Nhất hoàn toàn dừng bánh ở ga Đồng Hới hoặc ga Vinh, quốc lộ 15 đoạn Km458+400 bị sạt lở mái taluy dương khoảng 750m3.

Đến đêm 16-10, toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn mưa dữ dội, lũ dâng ngập khắp nơi. Tài sản nhà cửa, trâu bò, heo gà bị lũ cuốn trôi rất nhiều nhưng chưa thể thống kê do mưa vẫn rất lớn, lũ đang lên nhanh. Quảng Bình đang rất cần giúp đỡ của cả nước do thiên tai chồng thiên tai gây ra trăm ngàn khó khăn.

MINH PHONG

- Bão số 11: 9 người chết và mất tích, 69 người bị thương và hàng trăm nhà cửa, tàu thuyền bị hư hỏng nặng

- Đêm nay, lũ tràn sông từ Nghệ An đến Quảng Bình

Tin cùng chuyên mục