Đu dây qua… sông

Hơn 10 năm đu qua sông
Đu dây qua… sông

Nhiều năm qua, người dân của xã Hòa Lễ (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) đã làm ròng rọc tự chế để đu người qua sông Krông Ana đến nơi canh tác. Quãng sông rộng, dòng nước chảy xiết luôn là mối hiểm nguy đe dọa tính mạng của chính họ.

Quãng sông rộng, nước chảy xiết luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đối với người dân xã Hòa Lễ. Ảnh: LÊ PHƯỚC

Quãng sông rộng, nước chảy xiết luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn đối với người dân xã Hòa Lễ. Ảnh: LÊ PHƯỚC

Hơn 10 năm đu qua sông

Đi dọc bờ sông Krông Ana đoạn chảy qua địa bàn thôn 5 (xã Hòa Lễ) vào mùa này, chúng ta thường bắt gặp cảnh nhiều người dân mạo hiểm đu dây cáp vận chuyển cả hàng hóa qua sông. Những chiếc cáp treo ở đây được thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm một sợi dây cáp treo qua những chiếc cọc tự chế (bằng gỗ hoặc sắt) đóng cố định ở 2 bờ sông. Hơn 10 năm qua, gia đình anh Trương Công Lý (ở thôn 5, xã Hòa Lễ) đã vượt sông Krông Ana theo cách này. “Gia đình tôi ở bên này sông nhưng lại có 1,2ha rẫy ở bên kia sông. Mười mấy năm nay, chúng tôi đã sử dụng sợi cáp này để qua lại, chuyển phân bón, thuốc trừ sâu… sang chăm sóc cây và chuyển nông sản thu được về nhà. Mỗi dây cáp treo này khoảng vài triệu đồng do nhiều hộ có đất gần đó tự nguyện đóng góp, xây dựng và sử dụng. Riêng ròng rọc phải tự thiết kế sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình”.

Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Lễ, hiện người dân trong xã sang bên kia sông xâm canh khoảng 300ha đất dọc theo 18km bờ sông Krông Ana qua địa phận xã Cư Kty (huyện Krông Bông) và 2 xã Ea Yiêng, Vụ Bổn (huyện Krông Pắk). “Trước đây, người dân thường bắc những cây cầu khỉ đi lại và vận chuyển hàng hóa qua sông. Về sau, những cây cầu này bị lũ lớn cuốn trôi nên họ đã đóng thuyền bè để sử dụng. Nhưng do thuyền bè nhỏ và rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ nên hơn 10 năm qua họ đã chuyển qua phương án làm cáp treo để đu người, chuyển hàng hóa qua sông”, ông Sơn cho biết thêm.

Mong một cây cầu

Tại một bến đu dây khá rộng ở thôn 8, xã Hòa Lễ, chị Võ Thị Hoa (ở thôn 8) tâm sự: “Có lần tôi đu dây đến gần đến bờ bên kia, chợt ròng rọc bị hỏng làm tôi rơi xuống sông nhưng may mắn thoát chết vì dạo đó nước sông cạn. Bây giờ đang mùa mưa, đu dây qua sông rất nguy hiểm nhưng vì miếng cơm manh áo nên vẫn phải cố đu qua mà thôi”.

Hiện một số dây cáp dọc theo sông Krông Ana được làm từ khá lâu nên bị gỉ sét, bị mòn… Trong khi đó, cọc treo đóng hai bên bờ cũng có dấu hiệu xuống cấp, không chắc chắn. Ông Võ Châu Thắng, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi của UBND xã Hòa Lễ, cho biết: “Cả xã có khoảng 20 bến (gồm cả thuyền bè và cáp treo) để qua lại sông Krông Ana. Mới đây, người dân thôn 9 của xã đã góp tiền làm được một chiếc cầu bắc qua sông để người dân thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cây cầu tạm, khi nước lớn có thể bị ngập, thậm chí bị cuốn trôi”.

Còn theo ông Nguyễn Minh Sơn, xã đã nhiều lần nghe tin người dân đu dây rớt xuống sông nhưng được người khác phát hiện, hô hoán và ứng cứu kịp thời nên không ảnh hưởng đến tính mạng. “Mặc dù chúng tôi đã khuyến cáo người dân không được đu dây qua sông trong mùa nước lũ để đảm bảo an toàn nhưng vì cuộc sống, nhiều người vẫn “liều mình” đu qua sông. Trong điều kiện ngân sách của xã còn hạn hẹp, chúng tôi rất mong tỉnh đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố để bà con được đi lại an toàn hơn”, ông Sơn đề nghị.

CÔNG HOAN - LÊ PHƯỚC


Hiểm họa tại các cây cầu treo bắc qua sông Pô Kô

UBND xã Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) cho biết, hiện trên địa bàn xã có 2 cầu treo bắc qua sông Pô Kô đang trong tình trạng nguy hiểm, nhất là khi vào cao điểm mùa mưa ở khu vực Tây Nguyên. Đó là 2 cây cầu treo của thôn Đăk Sút II, mố cầu bị sạt lở nặng, nước sông Pô Kô hiện dâng cao, rất nguy hiểm cho đồng bào dân tộc thiểu số khi qua lại. Chính quyền địa phương đã có những biện pháp ngăn cấm, vận động không được đi lại cầu treo này, nhưng bà con vẫn đi lại bất chấp nguy hiểm. Hiện lãnh đạo xã Đăk Ang đang đề nghị UBND huyện Ngọc Hồi tạo điều kiện về kinh phí để sửa chữa cầu treo, đảm bảo an toàn giao thông vùng cao trong mùa mưa bão năm 2014.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục