Sáng 25-3, một vụ tai nạn xảy ra trên đoạn đường quốc lộ 1A, ngang qua quận Bình Tân, TPHCM, giữa xe khách và xe tải làm 2 người chết tại chỗ và 13 người bị thương. Trước đó, ngày 7-11-2011 cũng xảy ra vụ tai nạn giữa xe container và xe khách làm 10 chết và 22 người bị thương. Các vụ tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra về khuya. Vậy những chuyến xe khuya chạy như thế nào?
- 30 phút phóng 70km!
TP Phan Thiết có nhiều xe đi trong đêm về TPHCM, thường hay xảy ra tai nạn. Quãng đường 200km nhưng các nhà xe chỉ chạy khoảng 3 tiếng là đến. Như ngày 3-4, từ TP Phan Thiết, chúng tôi lên xe Ford Transit 16 chỗ của T.N - một trong những hãng xe dịch vụ đưa đón tận nơi. Đón khách xong, 2 giờ 30 phút, xe bắt đầu từ khu du lịch Suối Cát ra quốc lộ 1A hướng về TPHCM, trên xe lúc này mọi người đã ngả lưng ra ngủ.
Xe ra quốc lộ 1A, quang cảnh rất nhộn nhịp, không chỉ có xe Phan Thiết mà còn có rất nhiều chuyến xe đêm từ Tuy Hòa (Phú Yên), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa) chạy vào TPHCM. Chọn chỗ ngồi gần tài xế nên chúng tôi nhìn rõ đồng hồ chỉ tốc độ không lúc nào dưới 100km/giờ. Đi được khá xa, xe ghé vào cây xăng Anh Học, nhìn đồng hồ mới 3 giờ 5 phút. Đây là cây xăng cuối của tỉnh Bình Thuận đầu tỉnh Đồng Nai, như vậy xe đã chạy được 70km. Có rất nhiều xe Phan Thiết xuất phát cùng giờ cũng đang đậu đổ xăng.
- Chạy cho kịp giờ
Nghỉ 10 phút, xe tiếp tục chạy với tốc độ gần 100km/giờ. Đoạn đường qua Đồng Nai có vẻ an toàn hơn vì luôn có đèn. Đến một ngã ba địa bàn huyện Xuân Lộc, xe đột ngột chuyển hướng, rẽ phải vào một con đường nhỏ. Không có đèn nhưng con đường sáng rực với dòng xe nối đuôi chạy vào. Hết con đường mòn ấy là đến ngay thị xã Long Khánh, hóa ra xe chạy đường này sẽ rút ngắn đường đi được mấy cây số và… trốn được chốt CSGT. Qua khỏi Dầu Giây, xe giữ tốc độ 90km/giờ, có đoạn hơn 100km/giờ, chỉ đến đoạn ôm cua các tài xế mới giảm tốc độ.
Theo cánh tài xế, đoạn đường từ Phan Thiết tới Đồng Nai phải lo chạy nhanh, bởi trễ sẽ gặp chốt CSGT rất dễ bị thổi, sẽ phải bỏ tiền túi chịu phạt. 5 giờ 10, xe đến cầu Sài Gòn, bác tài cho biết tranh thủ chạy nhanh vì vào nội thành TPHCM trả khách giờ cao điểm có nhiều tuyến đường xe trên 16 chỗ sẽ không qua được, về bãi đậu phải tốn tiền cho xe ôm chở trả khách.
Hiện nay, các tuyến xe từ khắp nơi chạy vào TPHCM như Phan Thiết, Nha Trang, Cần Thơ, Cà Mau… thường chạy dưới 8 tiếng, chạy nhanh để tranh thủ trả khách dọc đường trước khi vào bãi đậu xe trong nội thành. Đêm khuya đường vắng nên tài xế chủ quan chạy nhanh, vì thế cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng vì không làm chủ tốc độ, khó xử lý được tình huống bất ngờ.
THANH HẢI
Giảm tai nạn giao thông ban đêm
Sáng 25-3 xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe khách và xe tải trên quốc lộ 1A, địa bàn quận Bình Tân, TPHCM khiến 2 người chết tại chỗ và 13 người bị thương. Theo tài xế xe khách, do xe tải bị hư đậu mà không đặt tín hiệu nên không biết được. Ngược lại tài xế xe tải cho rằng mình có đặt tín hiệu báo xe bị hư cách xe hơn 20m.
Lâu nay, khi ô tô chết máy hay nổ vỏ, tài xế thường dùng cành cây hay cục gạch để báo hiệu phía trước cách 25-30m có xe bị hư. Với cành cây, cục gạch… thì ban ngày có thể nhìn thấy được, nhưng ban đêm tài xế rất khó nhận thấy kịp từ xa. Ngoài ra, công tác cứu hộ xe gặp nạn về khuya thường hay chậm trễ, có khi báo nhưng tới sáng mới có xe tới cứu hộ. Thiết nghĩ các tài xế nên trang bị trên xe một ụ chắn đường (bảo hộ lao động) để đặt phía trước nếu xe mình gặp phải sự cố, nhằm tự cứu mình và không gây tai nạn cho xe khác. Ụ chắn đường là vật bảo hộ lao động cho các anh công nhân dùng để đặt phía trước, được làm bằng nhựa có phản quang nhằm báo hiệu cho người đi đường phía trước có công trình thi công.
Tương tự, vào ban đêm, có nhiều CSGT đứng chốt làm việc nhưng để nhận thấy họ cũng rất khó. Ở đây, không phải thấy CSGT để né mà để tài xế tránh gây tai nạn cho các anh khi đang làm nhiệm vụ do không thấy các anh vì trời quá tối. Ngoài ra, các CSGT làm việc vào ban đêm thường hay truy quét bọn đua xe, lúc nào cũng phải chịu cảnh sương gió ban đêm, nay phải nơm nớp lo sợ bị xe lớn đụng phải khi đang làm nhiệm vụ. Do vậy, theo tôi Nhà nước cần trang bị thêm dây phản quang mang trên áo (vật dụng bảo hộ lao động) cho CSGT khi làm nhiệm vụ vào ban đêm, để các anh được an toàn hơn.
Nói chung, ban ngày cũng như ban đêm, vật dụng bảo hộ lao động (ụ chắn đường, dây áo phản quang…) lúc nào cũng phát sáng sẽ giúp cảnh giác được phía trước đang có chướng ngại vật, người đi đường sẽ dễ dàng nhận thấy và giảm tốc độ khi đi qua.
LÊ THANH