Thu hồi Note7... và phải thu hồi

>>
Thu hồi Note7... và phải thu hồi

>> Note7 - vẫn còn một câu hỏi chưa trả lời

Đại gia công nghệ Samsung của Hàn Quốc đã phải thu hồi Galaxy Note 7 chỉ sau 2 tuần ra mắt vì lỗi pin làm máy phát hỏa khi đang sạc. Credit Suisse ước tính, việc thu hồi 2,5 triệu máy Note 7 đã bán ra tại 10 quốc gia, gồm Hàn Quốc và Mỹ, cùng việc hoãn giao hàng "flagship" này trên toàn cầu có thể làm Samsung tốn đến 1,34 tỷ USD. Và ở đây, không chỉ là bảo vệ người dùng... vì nếu không thu hồi thì hậu quả có thể “thảm khốc” hơn.

Tỷ lệ Samsung Galaxy Note 7 bị lỗi pin hiện là 24 phần triệu, nếu chọn giải pháp bồi thường cho người dùng có máy bị lỗi, chi phí sẽ thấp hơn nhiều so với thu hồi. Nhưng Samsung đã chọn thu hồi dù tốn kém, để tránh xảy ra tiếp tục những vụ cháy nổ pin, dẫn đến người dùng mất lòng tin vào chất lượng sản phẩm Samsung. Nhưng quan trọng là vấn đề an toàn của người tiêu dùng, nếu không sẽ bị trừng phạt nặng theo luật bảo vệ người tiêu dùng nghiêm ngặt ở nhiều nước, gồm Mỹ, một thị trường chính của Samsung.

Tại Mỹ, từng có những vụ thu hồi sản phẩm với lý do có vẻ bình thường, đặc biệt là xe hơi, vì ngay cả những vấn đề nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn và tử vong. Năm 1996, hãng Ford đã thu hồi 8,7 triệu xe hơi các mẫu Explorer, Bronco, xe bán tải F-Series và Lincoln Town Car để sửa một lỗi nhỏ với công tắc điện tử dùng để tắt chức năng kiểm soát hành trình. Nhiều chủ xe bỏ qua thông báo thu hồi, cho rằng họ vẫn lái xe an toàn miễn là không sử dụng chức năng này. Tuy nhiên, lỗi này làm một số xe Ford bị quá nóng, ngay cả khi đang đậu, gây một số vụ cháy lan ra garage và nhà ở. Lỗi có vẻ không đáng kể này đã làm một số người chết và làm Toyota tốn hàng trăm triệu USD.

Đầu những năm 2000, hãng Ford đã thu hồi 6,5 triệu xe lắp lốp của Firestone bị lỗi dẫn đến 1.400 vụ kiện, 240 người bị thương và 90 ca tử vong tại Mỹ. Khi mới phát hiện vụ việc, Ford đổ lỗi cho Firestone, nhà sản xuất lốp này lại đổ lỗi cho nhà sản xuất ô tô. Chính phủ tuyên bố cả 2 bên đều biết lốp gây nguy hiểm nhưng đã không làm gì để khắc phục. Kết thúc vụ này Ford tốn khoảng 3 tỷ USD và gần 20 triệu lốp Firestone đã bị thu hồi.

Tương tự, hãng Toyota đã có các đợt thu hồi lớn với hơn 10 triệu xe trong năm 2009 và 2010 do nhiều lỗi, bao gồm chân ga mắc kẹt gây tăng tốc đột ngột và túi khí bị lỗi. Tháng 3-2014, Bộ Tư pháp Mỹ kết thúc cuộc điều tra dài 4 năm với hãng, tuyên phạt hình sự 1,2 tỷ USD vì đã che giấu thông tin về các lỗi trên ở một số mẫu xe.

Trong năm 2015, Mỹ đã thu hồi lượng xe hơi kỷ lục với 900 vụ riêng biệt, ảnh hưởng 51 triệu xe trên toàn quốc. Một số lỗi như túi khí và công tắc khởi động, có vẻ không bức xúc cho chủ xe vào thời điểm công bố nhưng đã gây thiệt hại trên diện rộng, làm hàng chục người chết. Đáng chú ý nhất, khoảng 20 nhà sản xuất ô tô ở Mỹ đã thu hồi khoảng 70 triệu xe bị lỗi túi khí do hãng Takata của Nhật Bản cung cấp. Máy bơm túi khí có thể bị vỡ ở nhiệt độ cao, làm văng mảnh kim loại vào người lái và hành khách, đã làm chết ít nhất 10 người và làm bị thương hàng chục người.

Không sau vụ túi khí Takata, hãng General Motors đã bị phát hiện che giấu các báo cáo trong nhiều năm về công tắc khởi động của nhiều dòng sedan nhỏ, gồm Chevrolet Cobalt, Pontiac G5 và Saturn Ion, có thể tắt động cơ đột ngột, làm xe dừng ở tốc độ cao và gây va chạm, đã làm hàng trăm người chết và bị thương.

Dù không gây nguy hiểm cho các chủ xe, hãng Volkswagen đã phải thu hồi hơn nửa triệu xe hơi động cơ diesel tại Mỹ vào mùa thu năm ngoái sau khi bị phát hiện đã cài phần mềm "qua mặt" kiểm tra khí thải và xe đã không đạt mức tiết kiệm nhiên liệu lớn như quảng cáo. Ước tính Volkswagen phải chi 14,7 tỷ USD để dàn xếp vụ khí thải này, lớn hơn nhiều so với con số 2 tỷ USD của General Motor trong vụ công tắc bị lỗi, và 1,2 tỷ USD của Toyota trong vụ xe tăng tốc đột ngột.

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ cho Cục An toàn giao thông quốc gia (NHTSA) quyền hạn mạnh hơn, phạt dân sự các nhà sản xuất ô tô không thông báo kịp thời cho người dùng các lỗi an toàn. Trong năm 2015, NHTSA đã phạt dân sự 70 triệu USD với Fiat Chrysler do không báo cáo dữ liệu an toàn theo quy định, trì hoãn nhiều đợt thu hồi quan trọng; BMW bị phạt dân sự 40 triệu USD sau khi không thông báo cho chủ một số mẫu xe Mini Cooper rằng xe không đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu bảo vệ va chạm mặt hông xe.

Với sản phẩm công nghệ, hãng Dell vào năm 2006 đã thu hồi hơn 4 triệu pin của các mẫu máy tính xách tay Latitude và Inspiron vì bị nóng chưa từng có. Ít nhất 6 khách hàng Dell báo cáo máy tự phát hỏa và Dell đã cung cấp pin thay thế cho những khách hàng đã mua các mẫu máy này, nhiều trường hợp Dell đã đổi mới cả máy cho khách hàng.

Vụ thu hồi pin lớn nhất trong lịch sử ngành điện tử tiêu dùng là vào năm 2007, khi Nokia, thời điểm đó là nhà sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới, đã thay thế 46 triệu pin điện thoại được hãng Nhật Bản Matsushita Battery sản xuất cho điện thoại Nokia.

Từ các vụ thu hồi sản phẩm nói trên, thấy rằng hễ sản phẩm bị lỗi, đặc biệt nếu lỗi sản phẩm có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của con người thì thu hồi sản phẩm là giải pháp “an toàn” nhất cho hãng đó, thà tốn kém do thu hồi còn hơn phải tốt kém nhiều lần nếu bị phạt, thua kiện... Ở đây, Samsung thu hồi Note7 cũng có lý do như thế.

HẢI ANH

Tin cùng chuyên mục