Thu hồi thêm đất 2 bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá: Hài hòa lợi ích đôi bên

UBND TPHCM vừa phê duyệt Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP, trong đó có đề xuất thu hồi thêm đất ở 2 bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá. 

Theo đó, người có đất bị thu hồi trong dự án hạ tầng và phần đất thu hồi thêm sẽ được tái định cư tại chỗ với diện tích đất nhỏ hơn, ngược lại giá đất tăng thêm do hạ tầng mang lại. Diện tích đất dôi dư sau khi tái định cư sẽ được quy hoạch lại và bán đấu giá để lấy kinh phí đầu tư cho chính dự án đó.

Phải mua theo giá thị trường

Theo đề án, phương án thu hồi thêm đất và tái định cư sẽ được đưa ra lấy ý kiến của cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Nếu đa số người dân đồng ý (khoảng 2/3) thì phương án sẽ được phê duyệt. Thiểu số người dân không đồng ý phải lựa chọn: hoặc chấp thuận phương án hoặc bị Nhà nước thu hồi đất. Những người bị thu hồi đất để làm hạ tầng, nhất là mở rộng đường, thường không được hưởng lợi từ việc mở rộng, nâng cấp hạ tầng.

Ngược lại, một số người không bị giải phóng mặt bằng nhưng nhà được “ra mặt tiền” và đất 2 bên sẽ tăng giá khi hạ tầng nâng cấp, mở rộng. Do đó, với đề xuất của đề án, người dân thuộc diện giải tỏa có thể được lợi nhiều hơn. Người dân có thể được tái định cư tại chỗ, hoặc được bồi thường với giá tốt hơn. 

Theo ông Lê Đức Dũng (nhà số 491A, đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10), nếu chủ trương Nhà nước mua thêm phần đất dôi dư dọc 2 bên đường thực hiện các dự án công trình công cộng là rất tốt, với điều kiện phải mua theo giá thị trường. Bởi hiện nay có vấn đề bất công, chẳng hạn như dự án tuyến metro 2 Bến Thành - Tham Lương ở ga Hòa Hưng có những hộ mặt tiền giải tỏa trắng mất hết đất chỉ được bồi thường giá hơn 200 triệu đồng/m2 thì không thể nào mua được đất ở khu vực này. Trong khi đó, những hộ ở phía sau trở thành mặt tiền giá trị nhà đất sẽ tăng lên. Vì vậy, nếu Nhà nước có chủ trương thu mua phần đất còn lại của các hộ dân bị giải tỏa phải thực hiện một cách minh bạch, theo giá thị trường.

Thu hồi thêm đất 2 bên công trình hạ tầng để tái định cư và bán đấu giá: Hài hòa lợi ích đôi bên ảnh 1 Đường Phạm Văn Đồng xây dựng mới khang trang, hiện đại từ nguồn vốn xã hội hóa. Ảnh: TRẦN YÊN

Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng, theo quy định của các luật hiện hành, UBND TPHCM có đủ căn cứ pháp lý để thực hiện đề án như đã đề xuất nói trên. “Việc đền bù giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề nan giải của thành phố. Không ít công trình bị ngưng trệ, chậm tiến độ vì không có mặt bằng, có công trình chậm chục năm trời. Do đó, với đề án nói trên, công tác đền bù giải tỏa sẽ nhanh, sớm có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công”, luật gia Đặng Đình Thịnh nhìn nhận.

Người dân hưởng lợi từ chỉnh trang đô thị

Theo ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TPHCM, đề án mở rộng biên thu hồi đất 2 bên đường để đưa vào đấu giá, nhằm có thêm kinh phí thực hiện dự án và có nguồn ngân sách cho phát triển cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là một chủ trương đúng. TP thực hiện đề án này sẽ đảm bảo quyền lợi người dân bị thu hồi đất, tránh việc chênh lệch giá đất trước và sau khi làm đường, sẽ không còn cảnh nhà siêu mỏng sau khi làm đường.

“Nhưng khi triển khai đề án, tôi nghĩ ngành chức năng TP sẽ phải sắp xếp ngay, tổ chức ai đi, ai ở? Người dân ở khu vực đó đang ở trạng thái mặt tiền, thì họ còn sở hữu mặt tiền hay không; người đang ở trong hẻm, giờ giải tỏa thành ra mặt tiền? Rồi là việc từ ngôi nhà có giá trị rất thấp, thành mặt tiền giá trị gấp 5, 10 lần, thì ngành chức năng sẽ xử lý ra sao đối với chủ hộ? Người dân nghèo, mình bắt họ đóng tiền thêm cho ngôi nhà sau khi chỉnh sửa thì tiền đâu họ đóng”, ông Khương Văn Mười băn khoăn. 

Trong khi đó, luật gia Đặng Đình Thịnh cho rằng, để đề án áp dụng hiệu quả, trên hết là minh bạch và công bằng. Sự minh bạch bắt đầu từ quy hoạch dự án đến diện tích phải mở rộng thêm ngoài công trình, đấu giá đất và tổ chức tái định cư. Ngay từ cơ quan soạn thảo văn bản quy định pháp luật phải công bằng giữa quyền lợi của Nhà nước, đơn vị đầu tư và người bị thu hồi đất.

Thực tế đã xảy ra, ở một số dự án đơn giá đền bù khá cao so với thị trường nhưng thiếu công khai, minh bạch nên người dân vẫn không hài lòng, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. “Một khi chủ trương, chính sách đúng và cán bộ thực hiện công tâm, có trách nhiệm thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình ủng hộ”, luật gia Đặng Đình Thịnh nhấn mạnh. 

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, khẳng định, phương án đền bù hiệu quả nhất cho người dân không nằm ở việc giá đất được đền bù là cao hay thấp. Nhìn chung, trong những trường hợp có liên quan đến đền bù đất đai trong khu vực cần giải tỏa mặt bằng, cốt lõi của vấn đề là nằm ở sự đồng thuận của người dân.

Thường những dự án công do Nhà nước đầu tư như trường học, bệnh viện, công viên... thì người dân ủng hộ mạnh mẽ. Còn nếu là những dự án thương mại và phục vụ lợi ích của một số nhà đầu tư thì sự đồng thuận của người dân là yếu tố quyết định.

Tin cùng chuyên mục