Thu hút chuyên gia, nhà khoa học tại TPHCM: Chưa phát huy hiệu quả như mong đợi

Từ năm 2014 đến 2019, TPHCM đã thu hút được 19 chuyên gia, trong đó có 5 chuyên gia Việt Nam, 6 người nước ngoài và đặc biệt có 8 kiều bào về công tác tại các đơn vị của TP. Đây là con số khá khiêm tốn, nhất là số lượng chuyên gia đang trong tuổi lao động, chuyên gia trẻ tuổi còn quá ít…

5 năm chỉ thu hút được 19 người

Suốt 5 năm (từ 2014-2019), TPHCM chỉ thu hút được 19 chuyên gia về công tác tại các đơn vị của TP. Những chuyên gia này được thu hút theo quy chế thí điểm một số chính sách thu hút chuyên gia khoa học và công nghệ vào làm việc tại một số nơi ở TPHCM. Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM, các chuyên gia nước ngoài đã đóng góp rất lớn để thực hiện các chương trình phát triển KH-CN của thành phố, như GS-TS Susumu Sugiyama, TS Maxime Projetti… tích cực tập trung nghiên cứu Chương trình phát triển ngành công nghiệp Mems (vi cơ điện tử); GS-TS Susumu Sugiyama cùng với các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP Labs) đã nghiên cứu thành công cảm biến áp suất ứng dụng trong hệ thống quan trắc mực nước tại cống nước thải… 

Tuy vậy, sau một thời gian công tác, đến nay chỉ còn khoảng 10 người công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghệ cao. Điểm nổi bật của giai đoạn này là mức thù lao mỗi chuyên gia có thể lên đến 150 triệu đồng/người/tháng, song trên thực tế, chưa có chuyên gia nào nhận được mức thù lao trên. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, chính sách thu hút phát triển nguồn nhân lực từ đội ngũ chuyên gia trong thời gian qua tuy đã được quan tâm, triển khai thực hiện nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả như mong đợi. Số lượng chuyên gia nhà khoa học đã và đang làm việc còn ít và mới chỉ tập trung vào một số ngành nghiên cứu trên phạm vi hẹp. Một số lĩnh vực đang cần nhân lực chất lượng cao nhưng chưa được quan tâm, mở rộng diện được áp dụng chính sách. 

Tiếp nối chính sách trên, từ tháng 12-2018, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết số 20/2018/NQ-HĐND về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu thu hút giai đoạn 2018-2022. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nào được tuyển chọn về làm việc tại các sở ngành, cơ quan, đơn vị theo Nghị quyết số 20. Qua giám sát, HĐND TPHCM đánh giá, chính sách về mức thu nhập và các điều kiện ưu tiên được HĐND TPHCM thông qua, tạo thuận lợi trong việc tuyển chọn, thu hút nhân tài phục vụ sự phát triển của TP, nhưng thực hiện còn chậm, đã qua 2 năm nhưng chính sách này chưa được phát huy. Công tác tuyển chọn, thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt về công tác ở các sở ngành, các cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu. 

Cần tiếp tục rà soát

Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Thanh Nhân cho hay, thực hiện Nghị quyết số 20 của HĐND TPHCM, tháng 7-2019 UBND TPHCM ban hành Quyết định số 17 quy định về chính sách thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu giai đoạn 2019-2022. Mới đây nhất, ngày 9-11-2020, UBND TPHCM có Quyết định số 4116 về việc ban hành Quy trình thu hút, tuyển chọn chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đối với lĩnh vực TPHCM có nhu cầu trong giai đoạn 2019-2021. Đến nay, quy trình này vừa áp dụng tròn 1 tháng. 

Theo Sở KH-CN TPHCM, từ khi công bố quy trình này, sở nhận được khá nhiều liên lạc tích cực, trong đó có nhiều nghiên cứu sinh, kiều bào… đang ở nước ngoài. Hiện TPHCM cần thu hút nhân tài, chuyên gia cho 14 vị trí. Cụ thể: Sở Kế hoạch và Đầu tư (1 vị trí), Khu Nông nghiệp công nghệ cao (3 vị trí), Khu Công nghệ cao (5 vị trí) và Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (5 vị trí). “Lần đầu tiên TPHCM thực hiện việc này, nên TP chỉ đạo phải hết sức thận trọng và đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả. Quá trình thực hiện cần chế độ chính sách phù hợp và cũng cần thời gian để thu hút được nhân tài”, ông Huỳnh Thanh Nhân chia sẻ.

Thời gian qua, vẫn còn một số yêu cầu bất cập với thực tiễn, như quy định “không bị ràng buộc về công việc, pháp lý đối với một tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước”. Điều này khiến nhiều chuyên gia e ngại và hạn chế cơ hội mở rộng hợp tác… Trên thực tế, TPHCM chủ yếu thu hút các chuyên gia lớn tuổi, một số trường hợp đã nghỉ hưu có nhiều điều kiện về thời gian làm việc tại Việt Nam. Trong khi đó, số lượng chuyên gia đang trong tuổi lao động, chuyên gia trẻ tuổi còn rất ít. Ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng, để thu hút chuyên gia, nhà khoa học, TPHCM cần tiếp tục rà soát, đề xuất các chính sách ưu đãi về tiền lương hoặc hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng phù hợp và cạnh tranh. TP cũng cần xem xét hỗ trợ chính sách về lương, phụ cấp tương xứng cho lực lượng làm việc trực tiếp với các chuyên gia là người nước ngoài. Từ đó mới có thể tiếp thu, chuyển tải các kết quả làm việc và lan tỏa các công nghệ, sáng kiến của chuyên gia là người nước ngoài một cách hiệu quả.

Theo Quyết định số 17, chuyên gia, nhà khoa học được trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; được chi trả mức lương hàng tháng. Đối với người có tài năng đặc biệt: được hưởng mức hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng theo năng lực, thành tích cá nhân đã đạt được từ 30-50 triệu đồng/người/tháng. Mỗi công trình, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, giải pháp, sáng kiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ hoặc tác phẩm, công trình văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao từ cấp TP và tương đương trở lên được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt, công nhận bằng văn bản thì được hưởng phụ cấp khuyến khích bằng 1% tổng kinh phí ngân sách TP chi trả cho công trình đó. Mức khuyến khích tối đa là 1 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục