
Nhân kỷ niệm 115 năm thành lập tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Giang đã làm thủ tục đề nghị truy tặng danh hiệu "Anh hùng dân tộc" cho ông Sùng Mí Chảng, dân tộc Mông- Đồng Văn. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, chiến công vang dội của người nghĩa quân vẫn còn được truyền tụng trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Quê hương Sùng Mí Chảng trên cao nguyên Đồng Văn. Đến tuổi thanh niên, người thanh niên dân tộc Mông này không thể khoanh tay nhìn cảnh đồng bào mình đói khổ, cơ cực, lầm than.
Khi ấy, Đồng Văn đang nằm dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Thanh niên trai tráng phải đi phu, khuân đá làm đường, xây bốt và địu nước cho quân giặc. Những thiếu nữ xinh đẹp chịu thân phận tôi tớ cho bọn thực dân và quan lại. Những mảnh nương tốt nhất đều bị bắt trồng thuốc phiện.
Đã thế, giặc Pháp còn vít đường không cho người miền xuôi đem muối bán cho đồng bào miền núi. Thiếu muối, đói ăn, không có vải mặc, ốm đau bệnh tật, người Mông Đồng Văn lâm vào cảnh cùng cực.
Sùng Mí Chảng đã tập hợp mọi người để cùng đánh đuổi Pháp. Họ uống máu ăn thề chung lòng góp sức, và suy tôn Sùng Mí Chảng là thủ lĩnh nghĩa quân. Hàng ngàn người tự trang bị súng đạn, dao cuốc, gậy gộc và cung nỏ tự nguyện gia nhập đội ngũ, chọn núi Tù Sán (xã Đồng Văn) là trung tâm căn cứ nghĩa quân.
Khởi nghĩa nổ ra vào mùa xuân năm 1903, chỉ trong chớp nhoáng, nghĩa quân đã tiêu diệt hết lính Pháp, tịch thu vũ khí, làm chủ Đồng Văn. Pháp kéo quân từ nhiều địa phương khác đến hòng dập tan cuộc khởi nghĩa. Chỉ bằng chông, bẫy đá tại các vị trí hiểm yếu như Mã Pì Lèng, Lũng Pù, Sà Pìn, nghĩa quân đã giữ được Đồng Văn trong thời gian dài, người Mông được sống trong tự do.
Thực dân Pháp đã dùng nhiều thủ đoạn để chống phá nghĩa quân, chúng phong chức tước bổng lộc cho bọn tay sai địa phương, dùng nhiều muối, dầu, bạc già, thuốc phiện để dụ dỗ mua chuộc. Năm 1905, có một số tay sai địch lọt vào hàng ngũ nghĩa quân, Sùng Mí Chảng bị đầu độc và hy sinh trên núi Tù Sán.
Người Mông không tin người thủ lĩnh của họ đã chết, họ truyền tụng ông đã đi vào núi để lãnh đạo khởi nghĩa. Tin tưởng vào điều đó, nhân dân nhiều nơi tiếp tục nổi dậy với quyết tâm đánh đuổi giặc ngoại xâm. Truyền thống này truyền từ đời này qua đời khác, góp nên ngọn lửa cách mạng mùa thu năm 1945, đem lại độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc trên mảnh đất Đồng Văn.
Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Sùng Mí Chảng đã được Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in thành truyện tranh và Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Hà Giang dựng thành kịch múa để lưu truyền cho hậu thế.
Thái Văn