Thu nhập thấp nhưng người dân Việt Nam đang phải gánh thuế, phí cao

ĐB Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh), Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề cập đến vấn đề thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao, trong đó thu ngân sách tiếp tục giảm.
ĐB Lê Minh Chuẩn nói doanh nghiệp làm 10 đồng thì phải nộp thuế, phí mất 4 đồng
ĐB Lê Minh Chuẩn nói doanh nghiệp làm 10 đồng thì phải nộp thuế, phí mất 4 đồng

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến cuối năm 2017 con số nợ công khoảng 3,13 triệu tỷ đồng; năm 2016 con số này là 2,86 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ công năm 2017 chiếm khoảng 62,6% GDP và dự kiến tiếp tục tăng lên ở mức 63,9% GDP vào cuối năm 2018. Trong đó, dư nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỷ đồng, tương đương 51,8% GDP, và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 45,2% GDP.

Như vậy, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán (trong đó thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 60,1%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 66,3%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 60,1%). Hầu hết đều rất thấp so với cùng kỳ những năm trước. Như vậy, việc ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu là điều rất đáng quan tâm.

ĐB Chuẩn cho rằng, vì thu không đủ chi nên đã tính đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao. Điều này làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp đã phải chịu từ 12 - 15 loại thuế và phí, dẫn đến giảm sự đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Về tổng thể, Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, Việt Nam là 1 trong những nước có nguồn thu từ người dân tính trên tổng thu nhập của xã hội rất cao so với các nước cùng có mức thu nhập và trình độ phát triển. Theo tổ chức kinh tế thế giới WTO, nếu tính tỷ lệ thu ngân sách /GDP thì Việt Nam đang đứng ở thứ 3, sau Nhật Bản và Trung Quốc trong khu vực. Còn theo thống kê của Ngân hàng thế giới WB, tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Idonesia 12,4% và Malaysia 14,3%.

 So với thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng tỷ lệ thu cao hơn đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu khoản thuế và phí trên GDP gấp 1,4 đến 3 lần so với các nước khác. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. Như vậy, thực tế năm 2017 cho thấy đã áp dụng tối đa các giải pháp tận thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn giảm, không đủ chi.

“Dù đã tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao nhưng kết quả thu ngân sách nhà nước không đạt được như mục tiêu và mong muốn đề ra. Phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay cho việc tận thu, hành thu doanh nghiệp sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, làm mục tiêu quyết định cho sự ổn định và phát triển nguồn thu”, ĐB Chuẩn đề xuất.

Theo ông, cần tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách. Ngoài ra, việc nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi và các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nước ngoài, rất cần có trang bị các lá chắn về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới.

Tin cùng chuyên mục