Hội nghị của Chính phủ họp với các địa phương nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước năm 2011 đã kết thúc vào chiều qua, 31-12-2010, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra những vấn đề quan trọng cần làm ngay vào những ngày đầu năm 2011.
Lo thiếu điện, lạm phát
Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng, năm 2010 là một năm khó khăn của TP. GDP TPHCM năm nay đạt 12%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 9,58% (vẫn thấp so với cả nước là 11,75%). Về an sinh xã hội, TPHCM có nhiều thành tựu: tỷ lệ hộ nghèo còn 5,8%, đến năm 2015, TP quyết tâm giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1%. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế công nghiệp theo hướng tăng hàm lượng gia tăng giá trị cao, là nền tảng để những năm tới sản xuất công nghiệp tập trung thu hút đầu tư khoa học - công nghệ cao.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho rằng, những vấn đề cốt tử như điện, nước, giá cả... nếu không giải quyết hiệu quả sẽ không làm được những vấn đề lớn. “Về điện, năm qua, TP được ưu tiên 14,5 tỷ kW, thực ra cần tới 17 tỷ kW. Đành là phải sử dụng tiết kiệm nhưng thời gian tới, đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương quan tâm giải quyết vấn đề điện”, Chủ tịch Lê Hoàng Quân đề nghị.
Nhiều địa phương khác như Cao Bằng, Cà Mau, Bình Dương, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Ninh... đều đề nghị năm 2011 Chính phủ phải tập trung giải quyết vấn đề thiếu điện. Nếu nguồn điện không bảo đảm thì không thể nói đến đẩy mạnh sản xuất cũng như bảo đảm an sinh xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung cho biết, tuy tỉnh thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước nhưng rất “sợ” mỗi lần đi kêu gọi đầu tư phải trả lời câu hỏi về điện cho đối tác. “Thiếu điện, nhà đầu tư không vào. 5 năm tới, miền Đông Nam bộ có thu hút đầu tư nhiều hay không phụ thuộc cơ bản vào vấn đề điện. Đề nghị Chính phủ cho một số địa phương, trong đó có Bình Dương được xây dựng nhà máy điện”, ông Cung đề nghị.
Ngoài điện, hàng loạt những vấn đề khác cũng được các địa phương đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết, trong đó nổi cộm là cần tập trung kiểm soát giá cả, điều hành kéo lãi suất xuống để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ bề rộng sang chiều sâu.
Lãi suất cao, GDP không thể đạt 7%-7,5%
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành thời gian phân tích những khó khăn, thách thức, những thành công cũng như tồn tại của năm 2010. Thủ tướng cho rằng, năm vừa qua, dù còn nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản chúng ta đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Về công tác quản lý rừng, Thủ tướng nói: “Tôi đã tự phê bình trước Bộ Chính trị vì quản lý rừng chưa thành công”. Thủ tướng cũng cho rằng, quản lý doanh nghiệp nói chung, DNNN nói riêng cũng chưa ổn. Thủ tướng dẫn chứng, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam nhiều, phát triển nhưng lúc nào cũng kêu lỗ, là vì họ trốn được thuế. Quản lý đầu tư, xây dựng cũng bất cập, phân cấp nhưng lại để trùng lắp, đầu tư vào nhiều lĩnh vực tốn năng lượng. “Chúng ta xuất khẩu thép gần 1 tỷ USD, nhưng thực chất doanh nghiệp nước ngoài tranh thủ lấy đất đai, giá điện rẻ để nhập phôi đem đi cán để xuất khẩu. Có 1 nhà máy thép mà sử dụng hơn 50% sản lượng điện của tỉnh. Như vậy là quản lý không tốt”, Thủ tướng thẳng thắn.
Năm 2011, Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ rất khó khăn, vì vậy các bộ ngành, địa phương phải quyết tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt đồng bộ, toàn diện ngay từ những ngày đầu của năm. Thủ tướng yêu cầu phải xác định trọng tâm, trọng điểm từng thời gian, từng lĩnh vực. Đơn cử như trong kinh tế phải tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đặc biệt trong dịp tết này, phải bảo đảm kiểm soát giá cả, cân đối cung cầu hàng hóa. “TPHCM, Hà Nội đã làm rất tốt. Tháng 1 và 2 mà không kiềm giá tốt thì CPI cả năm sẽ tăng cao. Kinh tế vĩ mô rất nhiều việc, nhưng phải chọn trọng tâm. Hai việc cả xã hội đang nhìn vào phải làm được là kiểm soát giá cả và lãi suất phải làm cho tốt”, Thủ tướng gợi ý.
Thủ tướng cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện đồng bộ biện pháp kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất. Bằng công cụ lãi suất để kéo giá cả xuống, chứ không phải lãi suất chạy theo giá cả. “Năm 2010 các ngân hàng đều có lãi, trong khi nền kinh tế lãi suất thế này thì không được. Đồng ý là lãi suất phải thực dương nhưng phải kéo xuống. Đó là nhiệm vụ chính trị của ngân hàng. Thủ tướng không thể làm thay. Nếu để lãi suất cao như hiện nay thì GDP không thể đạt 7%-7,5%, càng không thể nói đến chuyện an sinh xã hội”, Thủ tướng nghiêm khắc.
Thủ tướng cũng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ tổng kết lại toàn nhiệm kỳ, đánh giá lại nhiệm vụ, chức năng của từng bộ; hình thành bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới. “Chính phủ cũng sẽ đánh giá lại việc phân cấp cho các địa phương trong thời gian qua. Nghị quyết nhiệm vụ năm 2011 sẽ được Chính phủ ban hành ngay trong những ngày đầu năm. Vấn đề là toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội phải đồng lòng để thực hiện tốt”, Thủ tướng kết luận.
Phan Thảo