Sau một thời gian vừa “lăn lộn” ở các doanh nghiệp vừa theo học luật, năm 2003, anh T. tốt nghiệp Đại học Luật TPHCM. Anh quyết định thử sức làm công chức ở Phòng Tư pháp quận B. Anh T. vốn có một số bạn bè đang làm công chức trong các cơ quan công quyền nên cũng muốn khoác chiếc áo công chức cho bằng anh bằng em.
Sau 6 tháng làm chuyên viên tập sự, anh vỡ ra được nhiều điều. Công việc chính của anh là sáng sáng vào thật sớm trước mọi người trong phòng để pha trà rót nước, đánh máy… và là người ra về trễ nhất để tắt đèn, đóng cửa.
Công việc chuyên môn của phòng anh là lên kế hoạch tuyên truyền phổ biến pháp luật, xác minh các loại giấy tờ hộ tịch… nhưng chưa bao giờ anh được “rớ” vào! Và thật trớ trêu, sau khi hết thời hạn tập sự, anh T. được nhận xét rằng nghiệp vụ còn “non” cần phải cố gắng thêm vài tháng nữa để lãnh đạo phòng “xem giò xem cẳng”. Đến nước này anh không lòng dạ nào chờ đợi nữa và đành “một đi không trở lại” với con đường làm công chức.
Đem câu chuyện của mình nói với bạn bè anh không khỏi trầm ngâm: Tại sao cứ nghe báo chí nói việc dân chậm giải quyết là do cơ quan nhà nước thiếu người? Thực sự có phải như vậy không hay là khó ai chen chân. Ngoài lương, điều mà người lao động quan tâm hơn cả hiện nay là môi trường làm việc. Nhưng, với cách tuyển dụng và sử dụng cán bộ như cơ quan anh T. vừa thử việc thì có lẽ rất khó giữ chân cán bộ trẻ có nhiệt huyết trụ lại lâu dài ở cơ quan nhà nước.
HIẾU LÊ