Thuật ngữ đánh đố

Tổ công tác Đề án 30 của TPHCM vừa kết thúc giai đoạn 2 rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Kết quả cho thấy, có đến hơn 60% thủ tục hành chính áp dụng tại các sở ban ngành TP, quận huyện và phường xã được kiến nghị đơn giản hóa. Qua rà soát, nhiều đơn vị, địa phương đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc về một số khái niệm và thuật ngữ thủ tục hành chính trong danh mục giữa các bộ ngành trung ương với địa phương, dẫn đến có cách hiểu khác nhau khi xác định tên, phạm vi rà soát thủ tục hành chính.

Cụ thể, về thủ tục “Thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính đối với công ty TNHH một thành viên (chủ sở hữu là cá nhân)”, tại khoản 2, Điều 35 Luật Doanh nghiệp quy định: “Doanh nghiệp phải thông báo thời gian mở cửa tại trụ sở chính với cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời gian 15 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”.

Trong khi đó, Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29-9-2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh và Thông tư số 03/2006/TT-BKH ngày 19-10-2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về hồ sơ đăng ký kinh doanh đều không có hướng dẫn việc thực hiện thông báo theo trình tự thực hiện thủ tục hành chính (không đủ yếu tố của thủ tục hành chính). Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn coi đây là một thủ tục hành chính và xếp trong danh mục thủ tục hành chính thuộc nhóm ưu tiên rà soát, đơn giản hóa.

Một khó khăn khác cũng được nhiều đơn vị, địa phương kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh. Đó là, nhiều thủ tục hành chính của các bộ ngành trung ương lập thời gian qua vừa quá chi tiết, vừa đan xen giữa các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực thành lập và phát triển doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được tách riêng biệt thành 2 thủ tục: “Thông báo thay đổi tên doanh nghiệp đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên” và “Đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên”.

Thực chất, đây chỉ là một lĩnh vực và được áp dụng chung cho một loại thủ tục hành chính là “Đăng ký điều chỉnh nội dung đang ký kinh doanh trong giấy chứng nhận đầu tư”. Như vậy, việc tách ra thành 2 lĩnh vực và 2 thủ tục hành chính như thời gian qua dễ gây phức tạp cho nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin trong bộ thủ tục hành chính được công bố công khai và gây tốn kém chi phí và thời gian của người dân và doanh nghiệp.

Đó là hai trong nhiều kiến nghị của TPHCM đối với các bộ ngành trung ương cần sớm được xem xét, điều chỉnh phù hợp với thực tế và không tạo cách hiểu khác nhau khi thực hiện các thủ tục hành chính.

Hoài Nam

Tin cùng chuyên mục