Theo đó, các bên đã cam kết triển khai 4 nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, bao gồm: khắc phục tình trạng hạn hán bằng hệ thống tuần hoàn nước; giảm thiểu bụi mịn PM 2.5 bằng nền nông nghiệp 100% không đốt qua việc hỗ trợ nông dân tiếp cận với máy móc hiện đại để tạo thu nhập ổn định; đưa vấn đề quản lý chất thải nhựa vào chương trình nghị sự quốc gia và kêu gọi sự quan tâm của Chính phủ để hỗ trợ chương trình xây dựng xanh và sạch.
Cụ thể, với dự án xây dựng hệ thống tuần hoàn nước: mạng lưới hợp tác sẽ hỗ trợ người nông dân chủ động trong áp dụng và điều chỉnh phương pháp canh tác song song với ứng dụng công nghệ. Dự án thúc đẩy chuyển đổi các vật liệu phế thải như rơm rạ, lá mía, cỏ thành năng lượng thay thế, năng lượng sinh khối, thức ăn chăn nuôi và bao bì từ thực vật. Những nỗ lực này sẽ giúp giảm thiểu bụi mịn PM 2.5.
Bên cạnh đó, áp dụng nền kinh tế chia sẻ bằng cách thành lập quỹ máy móc cộng đồng, cho phép người nông dân tiếp cận với các thiết bị nông nghiệp, cải thiện quy trình trồng, thu hoạch và tăng năng suất mà không cần đầu tư hay sở hữu bất kỳ thiết bị nào.
Đặc biệt, với rác thải nhựa, sẽ đề xuất Chính phủ đưa quản lý chất thải nhựa thành chương trình nghị sự quốc gia. Chính phủ tạo điều kiện và thiết lập các quy chuẩn để thúc đẩy hợp tác. Lộ trình hệ thống quản lý rác thải nhựa cần khuôn khổ cụ thể và quy trình rõ ràng.
Với dự án thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực xây dựng, doanh nghiệp đề xuất chính phủ các nước cần đổi mới ngành xây dựng thành ngành công nghiệp xanh và sạch. Đưa ra các đặc quyền về thuế nhằm khuyến khích các nhà thầu chuyển sang sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường hoặc tái chế trong xây dựng.
“Mục tiêu lâu dài là mở rộng mối quan hệ hợp tác nhiều lĩnh vực để nâng chất lượng sống, vượt qua khủng hoảng và khôi phục sự cân bằng theo các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn”, ông Tanawong Areeratchaku, Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững SCG cùng 180 đối tác, nhấn mạnh
Theo giới phân tích, việc cam kết thực hiện dự án của 180 doanh nghiệp hàng đầu thế giới sẽ góp phần định hình lại thị trường thế giới. Theo đó, thị trường “xanh” sẽ phát triển mạnh mẽ. Các chuỗi cung ứng toàn cầu cũng định vị phân khúc sản phẩm theo hướng ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường và sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội rõ ràng.