Thực hiện chương trình “đỡ đầu” 61 huyện nghèo của Chính phủ - Khó cho Vinatea, Vinacafe?!

Thực hiện chương trình “đỡ đầu” 61 huyện nghèo của Chính phủ - Khó cho Vinatea, Vinacafe?!

Tại cuộc họp vừa được tổ chức ở Thanh Hóa về việc “đỡ đầu” 61 huyện nghèo, mặc dù Bộ LĐ-TBXH và Chính phủ đã bước đầu giao cho từng đơn vị cụ thể nhưng lại có thông tin 2 doanh nghiệp nhà nước là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) và Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) từ chối việc nhận đỡ đầu cho các địa phương được giao. Sự thật ra sao?

Vinatea không muốn... hứa suông

Khi được hỏi về sự việc trên, lãnh đạo của Vinatea đã thẳng thắn cho rằng Vinatea không thể đỡ đầu được các huyện nghèo Bắc Yên (Sơn La) và Hoàng Su Phì (Hà Giang) do tổng công ty không có tiềm lực tài chính.

Thực hiện chương trình “đỡ đầu” 61 huyện nghèo của Chính phủ - Khó cho Vinatea, Vinacafe?! ảnh 1

Được doanh nghiệp đỡ đầu, nhiều đường bê tông nông thôn đã được xây dựng tại xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Thạnh, Bình Định). Ảnh: BÁO BÌNH ĐỊNH

Theo ông Nguyễn Hữu Tài, Phó Tổng Giám đốc Vinatea, chính ngay tại cuộc họp về hỗ trợ các huyện nghèo được tổ chức ở Thanh Hóa, Vinatea đã có tờ trình gửi Chính phủ và Bộ LĐ-TBXH nói rõ trong năm 2008, sản xuất kinh doanh của Vinatea không có lãi, nhiều doanh nghiệp lỗ nên không có quỹ phúc lợi để có thể hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho hai huyện nghèo kể trên, chỉ có thể hỗ trợ các mặt khác như đào tạo nghề, chuyển giao giống, khoa học - kỹ thuật.

Ông Vũ Ngọc Tự, Chủ tịch HĐQT của Vinatea cũng giãi bày: “Bản thân chúng tôi cũng muốn thực hiện đỡ đầu cho các huyện nghèo nhưng thực sự tiềm lực tài chính tổng công ty chỉ bằng một “nhúm” so với các tổng công ty khác. Mà không có tiền thì việc nhận đỡ đầu chỉ là lời hứa suông thôi”.

Năm 1996, Vinatea đã được chuyển sang hoạt động theo mô hình tổng công ty nhà nước với số vốn được bàn giao là 227 tỷ đồng, ông Tự cho biết số vốn trên hiện cũng không còn bao nhiêu do tình hình sản xuất, kinh doanh thua lỗ. Từ đầu năm đến nay, Vinatea mới ký hợp đồng xuất khẩu được 1.500 tấn chè (trong khi cùng thời điểm năm 2008 đã ký được 10.000 tấn).

Vinacafe không từ chối, nhưng…

Theo lời của ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐQT Vinacafe thì không có chuyện Vinacafe từ chối đỡ đầu cho huyện Đăk Rông (Quảng Trị) mà chỉ đề nghị thay đổi địa phương cần được hỗ trợ để việc hỗ trợ đạt hiệu quả hơn.

Theo Vinacafe, trong năm 2008, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tổng công ty vẫn lãi 218 tỷ đồng. Dự kiến năm 2009, Vinacafe sẽ xuất khẩu đạt 325 triệu USD, tổng doanh thu đạt 7.890 tỷ đồng... Bởi vậy, ông Thiêm đã bác bỏ những thông tin cho rằng Vinacafe từ chối đỡ đầu huyện nghèo.

Ông Thiêm cho biết, nếu giao cho Vinacafe đỡ đầu huyện Đăk Rông của tỉnh Quảng Trị thì quá xa so với địa bàn mà các doanh nghiệp của Vinacafe đang hoạt động là khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Ông Thiêm khẳng định: “Hiện chúng tôi đã gửi văn bản cho Văn phòng Chính phủ và Bộ LĐ-TBXH để đề nghị được thay đổi địa chỉ hỗ trợ”. Theo đó, Vinacafe mong muốn được triển khai việc hỗ trợ cho một huyện nghèo ở Tây Nguyên để việc “đỡ đầu” thuận lợi và đạt hiệu quả hơn.

Theo ông Thiêm, thực tế không chỉ bây giờ mà trong nhiều năm qua, tổng công ty đã từng đỡ đầu, hỗ trợ cho các huyện nghèo ở Tây Nguyên. Còn nếu theo quy định của Chính phủ là vẫn phải thực hiện đỡ đầu cho huyện Đăk Rông thì “chúng tôi cũng vui lòng hưởng ứng”, ông Thiêm nói.

Khi được hỏi những việc làm cụ thể để triển khai chính sách đỡ đầu theo chủ trương của Chính phủ, ông Thiêm khẳng định, trước mắt sẽ giảm khoán 20% cho đồng bào dân tộc, nếu khó khăn sẽ còn giảm tiếp, hỗ trợ 100% bảo hiểm cho bà con trồng cà phê và các chính sách an sinh xã hội khác. Việc hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào mỗi địa phương và doanh nghiệp sẽ có phương án hỗ trợ riêng.

Trước thông tin Tổng Công ty Chè Việt Nam không thể đỡ đầu được một huyện nghèo mà Chính phủ giao, chiều qua, 17-2, PV Báo SGGP 12 Giờ đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cho rằng, thực tế việc giao đỡ đầu các huyện nghèo cho từng đơn vị cụ thể mới chỉ là danh sách tạm thời của Bộ LĐ-TBXH trình lên Chính phủ chứ chưa phải là chính thức và còn có những chỗ “vênh”, thiếu sót. Do đó, Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng đưa ra đề nghị, sau khi tập hợp đủ các văn bản, ý kiến cũng như danh sách đăng ký nhận đỡ đầu của tất cả các đơn vị thì Bộ LĐ-TBXH cần “xóc” lại rồi “lắp ghép”, thay đổi lại một lần nữa cho hợp lý.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục