Thúc mạnh, đẩy nhanh những nhiệm vụ trọng tâm

Chịu trách nhiệm trước việc giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM chỉ đạt 25.400 tỷ đồng trong năm 2022 (đạt 68%, tăng so với năm 2021 nhưng vẫn chưa đạt con số mục tiêu là 95%), Chủ tịch UBND TPHCM đã tự hạ bậc thi đua.

Còn tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp diễn ra mới đây, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đưa ra đề nghị… ngược: “Cán bộ, cơ quan nào gây khó dễ, doanh nghiệp gọi thẳng cho tôi”. Hành động của hai lãnh đạo Đảng bộ - chính quyền thành phố một mặt cho thấy quyết tâm mạnh mẽ nhằm mang lại sự chuyển biến thực chất trong hai nhiệm vụ quan trọng, là giải ngân đầu tư công và cải cách hành chính; mặt khác cũng phần nào nói lên tính chưa hiệu quả của cả hai đầu việc trọng tâm nêu trên từ nhiều năm qua.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tại Hội nghị gặp gỡ, lắng nghe các đề xuất của doanh nghiệp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Sau 3 lần giậm chân tại chỗ về các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, ở nhiều cuộc họp, cải cách hành chính đã được lãnh đạo TPHCM xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là chủ đề của năm, với nhiều nghị quyết, chương trình hành động để cải tiến thứ bậc. Song, sự chuyển biến vẫn rất chậm, biểu hiện qua tiêu chí “Chất lượng quản trị công cần cải thiện” trong chỉ tiêu PCI của thành phố rất thấp. Thực tế đòi hỏi các tư lệnh ngành, cụ thể là giám đốc sở và chủ tịch các quận, huyện và TP Thủ Đức, có giải pháp cụ thể hóa với tốc độ nhanh, chất lượng cao, hiệu quả việc chuyển đổi số, tinh gọn thủ tục hành chính, tăng cường giải quyết một cửa.

Song song đó có tiêu chí đánh giá, gắn nội dung đạo đức công vụ, cải cách hành chính với thi đua, khen thưởng, để từng vị trí công tác - nhất là người đứng đầu - lấy hiệu quả mỗi đầu việc, tỷ lệ cải cách, giải ngân vốn là thước đo. Đơn vị nào có chỉ số cải cách hành chính giảm sút, tỷ lệ tham gia giải ngân các hạng mục trong đầu tư công thấp thì giảm thi đua; chỉ số cải cách hành chính không đạt trong 2 năm trở lên thì đề xuất lấy phiếu tín nhiệm ngay giữa nhiệm kỳ để làm cơ sở cho công tác đánh giá cán bộ…

Trong nhiệm vụ giải ngân đầu tư công, trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, cần chủ động và tranh thủ thời gian làm việc với các bộ ngành Trung ương, tập trung bàn giải pháp huy động nguồn lực, không thể cứ đủng đỉnh, “nước đến chân mới nhảy”. Đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư nhân, vốn cho doanh nghiệp; đầu tư công tăng thì sẽ làm tăng tiêu dùng và doanh nghiệp phát triển. Đặt trong tình hình khó khăn hiện nay, thúc đẩy giải ngân đầu tư công sẽ là giải pháp kích hoạt nguồn lực tiêu dùng mà cũng là lựa chọn tối ưu nhất cho sự sống còn của doanh nghiệp.

Trước những thách thức của địa chính trị - năng lượng - thương mại toàn cầu năm 2023, TPHCM đã dự báo để “đón đầu” các khó khăn lẫn cơ hội. Từ đó, bổ sung, hoàn thiện bản dự thảo nghị quyết mà thành phố và các bộ ngành Trung ương đang cùng xây dựng, trong đó ưu tiên các cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút nhà đầu tư chiến lược ở các ngành lĩnh vực trọng tâm cũng như có được cơ chế tháo gỡ vướng mắc, phân cấp, phân quyền cho thành phố về quy trình thủ tục đầu tư; cơ chế giao đất, cho thuê đất…

Trong khi chờ nghị quyết “mới” với những cơ chế vượt trội hơn, thì từng đầu việc trước mắt đang được TPHCM thúc mạnh, đẩy nhanh từ các phía. Trong đó, sát sườn nhất là các cơ quan xúc tiến thương mại đầu tư của thành phố chủ động hơn trong tìm kiếm, kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, cả thị trường xuất và nhập khẩu. Ngược lại, các doanh nghiệp thành phố phải chủ động nâng cao nội lực, đảm bảo chất lượng hàng hóa, phục vụ tốt thị trường nội địa.

Tin cùng chuyên mục