Thuế khoán - khoảng trống trốn thuế

Số hộ thuế khoán chiếm lượng lớn nhưng hàng năm chỉ đóng góp được 2% ngân sách. Câu chuyện cán bộ thuế bắt tay với hộ kinh doanh để giảm thuế đã được lãnh đạo nhắc nhiều lần trong cuộc họp.
Mua thực phẩm tại một hộ kinh doanh cá thể
Mua thực phẩm tại một hộ kinh doanh cá thể
Thế nhưng, đến nay việc xử lý chống thất thu thuế đối với hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Nhiều giải pháp ra đời nhưng chưa hiệu quả. Mới đây, Chính phủ lại tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh, chống thất thu đối với thuế khoán.

Đưa vào dữ liệu để quản lý hộ khoán


Theo Ban chỉ đạo Chống thất thu thuế, do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam làm trưởng ban, thì năm 2016 đã rà soát, tổng số đối tượng phải kiểm tra là 33.633 doanh nghiệp (DN) và hộ kinh doanh (19.281 DN, 14.352 hộ kinh doanh). 73,4% hộ kinh doanh đã được kiểm tra, khảo sát có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán, trong đó một nửa số hộ được điều chỉnh tăng từ 50% trở lên ngay trong năm 2016 (đã tăng thêm được 32 tỷ đồng); đối với các hộ có kết quả điều chỉnh tăng doanh thu khoán dưới 50% được điều chỉnh mức thuế khoán từ năm 2017. Các địa phương có thuế tăng thêm sau kiểm tra cao là Hà Nội, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng...

Tuy nhiên, việc kiểm tra không phải là giải pháp lâu dài trong chống thất thu thuế đối với hộ khoán. Do vậy, năm 2017, Tổng cục Thuế sẽ thu thập, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh. Trước mắt, sẽ xây dựng dữ liệu đối với các lĩnh vực có nguy cơ thất thu nhiều nhất như thương mại, ăn uống, dịch vụ khu vực ngoài quốc doanh. Mọi thông tin sẽ được tập trung tại Tổng cục Thuế để đối chiếu quy mô, số thuế khoán giữa các địa phương với nhau. Việc kiểm tra cũng theo phương thức quản lý rủi ro. Tổng cục Thuế sẽ hỗ trợ các chi cục thuế trong việc kiểm soát lập bộ thuế khoán đối với hộ kinh doanh trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lợi dụng bán, cấp hóa đơn lẻ để hợp thức hóa chứng từ mua vào, bán ra, gây thất thu ngân sách nhà nước.

Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam cho biết, để hoàn thiện cơ sở dữ liệu người nộp thuế là hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế đã ký kết quy chế phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chia sẻ thông tin các dữ liệu điều tra thống kê về khu vực kinh tế cá thể, phục vụ cho công tác quản lý của cơ quan thuế; thực hiện kết nối thông tin với đơn vị, tổ chức, cá nhân cho thuê mặt bằng kinh doanh, cung cấp điện, nước, viễn thông... để xây dựng cơ sở dữ liệu đầu vào của hộ kinh doanh, phục vụ cho công tác xác định doanh thu và mức thuế khoán; xây dựng cơ sở dữ liệu về DN nhỏ và siêu nhỏ tương tự như cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh, làm cơ sở ấn định thuế đối với DN kê khai không đúng thực tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa chỉ đạo tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế của cơ quan thuế ở cơ sở. Cụ thể, yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý khoán thuế, nhất là ở các TP, đô thị và cơ sở kinh doanh có quy mô lớn. Có biện pháp chuyển các hộ kinh doanh lớn đang nộp thuế khoán sang nộp thuế theo kê khai và hạch toán kế toán. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa việc thí điểm hóa đơn điện tử kết nối thông tin giữa cơ quan thuế với người nộp thuế, nhất là với DN, siêu thị, khách sạn, nhà hàng lớn. Đồng thời, phải thông tin, công khai trước công luận, báo chí về kết quả thanh tra, kiểm tra các nội dung báo chí phản ánh về thuế.
Kinh doanh trên mạng - thuế thất thu Lâu nay, những hoạt động có doanh thu cao nhưng nộp thuế ít là ở các hộ kinh doanh ăn uống, dịch vụ. Nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống có thương hiệu nổi tiếng, kinh doanh theo chuỗi, cơ sở kinh doanh có nhiều địa điểm hạch toán phụ thuộc nên khai thuế chưa rõ ràng. Sắp tới, ngành thuế sẽ chủ động kiểm tra theo chuyên đề để có phương án xử lý. Thế nhưng, một lĩnh vực mà ngành thuế thất thu lớn nhất, đó chính là thương mại điện tử - kinh doanh qua mạng. Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP, cho biết có hơn 13.000 đối tượng kinh doanh thương mại qua Facebook, nhưng chưa đơn vị nào đăng ký với Sở Công thương. Để chống thất thu trong lĩnh vực này, Cục Thuế TPHCM đi đầu rà soát từng trường hợp cụ thể để có phương án xử lý. Đối với hoạt động kinh doanh qua facebook, bà Tạ Thị Phương Lan, Vụ phó Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng phối hợp, chẳng hạn như yêu cầu khóa tài khoản Facebook của các cá nhân có vi phạm về thuế. Còn phương án tính thuế, cơ quan thuế sẽ rà những dịch vụ chuyển phát hàng hóa, thanh toán qua ngân hàng hoặc thanh toán thông qua các chủ hàng khác cung cấp hàng cho cá nhân của các trang fanpage để truy thu thuế.  Theo quy định hiện hành, những cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế và nộp dưới hình thức thuế khoán. Tuy nhiên, để xác định mình thuộc diện chưa phải nộp thuế thì mọi cá nhân kinh doanh phải khai thuế để cơ quan thuế quản lý, sau đó chỉ cần xác định doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải nộp thuế.  Vừa qua, Tổng cục Thuế đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước để bàn các giải pháp quản lý vấn đề này, sẽ phải sửa đổi các chính sách tổng thể, tiến tới việc quản lý mang tính chủ động như khấu trừ thuế tại nguồn, hay các hình thức trích nộp tự động từ các cơ quan quản lý nhà nước khác khi các cá nhân có vi phạm về thuế. Đối với lĩnh vực quảng cáo trên các trang mạng như Google, Facebook, Agoda, Twitter… - đây là hoạt động có số thuế bị thất thu cao nhất, lãnh đạo ngành thuế đang làm việc với các đơn vị có hợp đồng thương mại, quảng cáo thanh toán qua ngân hàng với các trang mạng nước ngoài để truy tìm đầu mối, đề xuất giải pháp thu thuế.
Giải đáp vướng mắc về thuế

Vừa qua, cơ quan hải quan, cơ quan thuế và doanh nghiệp (DN) có nhiều câu hỏi thắc mắc về các quy định chưa rõ ràng, nên Bộ Tài chính vừa có công văn hướng dẫn. Cụ thể:

° Hướng dẫn xử lý vướng mắc thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: Về áp dụng định mức miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, căn cứ Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Nghị định 134/2016 hướng dẫn Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, trường hợp miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng quy định tại Điều 8, miễn thuế đối với hàng hóa không nhằm mục đích thương mại quy định tại khoản 1 Điều 27 và miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh quy định tại khoản 2 Điều 29 Nghị định 134/2016 được áp dụng cho từng lần xuất khẩu, nhập khẩu.

° Về quản lý thuế đối với hàng hóa tái nhập để tái chế: Căn cứ điểm c khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; khoản 2 Điều 13 Nghị định 134/2016 và khoản 5 Điều 47 Nghị định 08/2015, trường hợp DN tái nhập hàng hóa đã xuất khẩu để tái chế thì không phải nộp thuế trong thời hạn tái chế nếu DN đã đăng ký thời hạn tái chế với cơ quan hải quan, nhưng không quá 275 ngày kể từ ngày tái nhập. Quá thời hạn tái chế đã đăng ký mà DN chưa tái xuất thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

° Về xử lý thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công sau khi hết thời hạn thực hiện hợp đồng gia công: Căn cứ khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; điểm e khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2016; Điều 64 Thông tư 38/2015 của Bộ Tài chính thì người nộp thuế thực hiện thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa theo quy định tại Điều 64 Thông tư 38. Kết quả xử lý không thuộc các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế thì phải kê khai nộp thuế, kết quả xử lý thuộc các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế thì được giải quyết miễn thuế, không thu thuế theo quy định.

° Về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất từ ngày 1-9-2016: Căn cứ điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; điểm c khoản 2 Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; khoản 1, khoản 3 Điều 6 Nghị định 108/2015 thì hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn theo quy định tại điểm đ khoản 9 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời hạn tạm nhập tái xuất. Hết thời hạn tạm nhập, tái xuất mà chưa tái xuất thì phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định và khi tái xuất được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Điều 6 Nghị định 108/2015.

° Về thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu:

+ Về thuế giá trị gia tăng: Căn cứ khoản 20 Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng; khoản 2 Điều 12 Nghị định 134/2016; khoản 20 Điều 4 Thông tư 219 của Bộ Tài chính thì trường hợp người nộp thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng xuất khẩu đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 31 Nghị định 134/2016 sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 31 Nghị định 134/2016 thì không được miễn thuế nhập khẩu và phải nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định.

+ Về thuế bảo vệ môi trường: Căn cứ Điều 9 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Điều 2 Thông tư 159/2012 của Bộ Tài chính thì nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải thực hiện kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

° Về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu không đáp ứng quy định tại Điều 12, Điều 36 Nghị định 134/2016: Căn cứ quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016, trường hợp tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh nhưng đã xuất khẩu sản phẩm thì được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp nếu đáp ứng quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016; trường hợp không đáp ứng quy định tại Điều 36 Nghị định 134/2016 thì không được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp.

Tin cùng chuyên mục