Thuốc đắng mới dã tật

Chỉ trong thời gian ngắn trở lại đây, những yếu kém, bất cập của hệ thống các trường ngoài công lập (NCL) tại TPHCM liên tục được các phương tiện truyền thông, phụ huynh phản ánh và đề cập. Từ những ngôi trường không đủ điều kiện và năng lực tài chính để hoạt động (trường THCS-THPT Khai Trí-Q5, THPT Phương Nam-Q.Thủ Đức, THPT Hiền Vương-Q.Tân Bình) đến những ngôi trường hoạt động theo kiểu “bán đứt” học sinh (trường THCS-THPT Hoàng Diệu-Q.Tân Bình) đã ít nhiều để lại những hệ lụy cho phụ huynh và học sinh từ cách làm giáo dục nặng tính kinh doanh cùng việc kiểm tra, giám sát quá lỏng lẻo từ phía đơn vị quản lý.

Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, đã khẳng định: Chúng ta không thể phủ nhận những đóng góp không nhỏ của hệ thống trường NCL (toàn TPHCM hiện có 119 trường NCL) khi các trường đã gánh 70% học sinh trong tổng số 197.000 học sinh không có hộ khẩu TPHCM. Tuy nhiên, không vì thế chúng ta dễ dãi chấp nhận một số trường không ra trường, lớp không ra lớp. Thời gian qua đã có không ít trường sau khi thành lập đã không đảm bảo được chất lượng đào tạo và những điều kiện như công bố ban đầu với phụ huynh. Đó là sự lừa dối học sinh và phụ huynh, ảnh hưởng xấu đến uy tín và sự phát triển của GD-ĐT TPHCM.

Chính vì vậy, Sở GD-ĐT TPHCM quyết định “mạnh tay” với những trường không đảm bảo điều kiện dạy và học trong thời gian tới. Theo đó, từ giữa tháng 2-2013, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ bắt đầu đi kiểm tra nắm tình hình thực tế tại tất cả các trường dân lập, tư thục và trường có yếu tố nước ngoài trên địa bàn. Trường nào không đảm bảo, thiếu những điều kiện cần và đủ nhằm đảm bảo công tác dạy học sẽ phải đóng cửa. Đây thật sự được xem là phát súng lệnh của Sở GD-ĐT TPHCM trong việc quyết tâm thanh lọc những cơ sở giáo dục yếu kém, đang làm trì trệ sự phát triển chung của toàn ngành.

Ông bà xưa từng nói: “Thuốc đắng mới dã tật. Sự thật thì mất lòng” nên việc Sở GD-ĐT TPHCM quyết tâm bốc những “phương thuốc” đặc trị để chữa căn bệnh hời hợt, vô cảm và thiếu cái tâm trong cách làm giáo dục của một số nhà đầu tư là hết sức cần thiết. Nó không chỉ giúp thanh lọc khỏi môi trường giáo dục những cái đầu (nhà đầu tư) chỉ biết chăm chăm làm kinh tế thông qua cái bình phong vì giáo dục.

Loại bỏ khỏi “cơ thể” ngành giáo dục những ung nhọt, những mầm bệnh ẩn chứa nhiều bất ổn, rủi ro, thiếu tính bền vững trong quá trình phát triển. Vì thế, Sở GD-ĐT TPHCM chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phụ huynh và học sinh khi họ quyết liệt chấn chỉnh lại hoạt động dạy và học khối trường NCL.

Anh Tú

Tin cùng chuyên mục