Thương binh nặng được ưu đãi BHYT cho người thân

Hỏi: Ông Lê Thanh Hải, 81 tuổi, cư ngụ ở phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM là thương binh hạng 3/4. Ông Hải thắc mắc với xếp hạng như vậy thì vợ, con của ông có được Nhà nước mua Bảo hiểm y tế (BHYT) hay không?

Trả lời: Điều 6, Nghị định 236-HĐBT năm 1985 về “Bổ sung, sửa đổi một số chế độ, chính sách về thương binh và xã hội” quy định thương binh được xếp thương tật theo 4 hạng. Hạng 1: mất từ 81% đến 100% sức lao động do thương tật, mất hoàn toàn khả năng lao động, cần có người phục vụ. Hạng 2: mất từ 61% đến 80% sức lao động do thương tật, mất phần lớn khả năng khả năng lao động, còn tự phục vụ được. Hạng 3: Mất từ 41% đến 60% sức lao động do thương tật, mất khả năng lao động ở mức trung bình. Hạng 4: Mất từ 21% đến 40% sức lao động do thương tật, giảm nhẹ khả năng lao động.

Khoản 2, Điều 21, Pháp lệnh 04/2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng quy định: thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua BHYT cho cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng. Ông Lê Thanh Hải là thương binh hạng 3/4, suy giảm khả năng lao động 54% nên không là đối tượng được hưởng chính sách nêu trên.

Tin cùng chuyên mục