
Ngày nay làng đào Nhật Tân (Hà Nội) không còn giữ được vị trí “độc tôn” trên thị trường đào Tết như trước kia nữa. Trong khi diện tích trồng đào ở Nhật Tân ngày càng bị thu hẹp và còn có nguy cơ biến mất do “cơn lốc” đô thị hóa, thì trái lại, một làng đào mới đang được hình thành và dần khẳng định được “thương hiệu” của mình trên thị trường đào Tết: đó là làng đào La Cả (xã Dương Nội - Hoài Đức - Hà Tây).
- Cây đào - “Sự lựa chọn hoàn hảo”!

Bác Nguyễn Trung Thuyết chăm sóc vườn đào của mình, hy vọng thu 40 - 50 triệu đồng trong dịp Tết Bính Tuất.
Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, từ thị xã Hà Đông đi thẳng đường 69, đi thêm khoảng 4km chúng tôi tìm đến xã Dương Nội (Hoài Đức-Hà Tây) - nơi có làng đào La Cả. Đúng 9 giờ sáng chúng tôi có mặt trên cánh đồng trồng đào của làng. Không giống như những gì tưởng tượng trước khi đến đây, trước mắt chúng tôi là cánh đồng bạt ngàn sắc đỏ của cây đào. Nếu như làm một phép so sánh thì có thể nói quy mô của làng đào La Cả cũng không thua kém là bao so với làng đào Nhật Tân trước kia.
Cùng có mặt trên cánh đồng đào với chúng tôi lúc này là ông Chủ tịch UBND xã Dương Nội Nguyễn Trung Dũng. Chỉ tay về phía cánh đồng đào mênh mông, với nét mặt tươi cười, ông Dũng tâm sự: Khoảng mười năm về trước, cánh đồng này không có bóng dáng một cây đào nào. Lúc đó hầu hết các gia đình trong xã Dương Nội nói chung và ở làng La Cả nói riêng vẫn chỉ độc canh cây lúa.
Năm nào thời tiết thuận lợi thì người dân cấy được hai vụ, còn lại thì chỉ cấy được một vụ. Đến vụ đông, bà con cũng chỉ “nhì nhằng” trồng thêm các loại cây trồng phụ như: khoai, ngô, sắn… và một số loại cây rau màu khác... Nhưng tất cả những loại cây trồng trên đều không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đời sống của bà con nông dân rất bấp bênh. đã có nhiều hộ gia đình chán nản, bỏ hoang ruộng đồng để đi làm ăn ở nơi khác.
Thời điểm đó ở trong làng vẫn còn có nhiều hộ gia đình kiên trì bám đất bám làng, tích cực tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu cách chuyển đổi cây trồng. Trong một thời gian dài những người dân ở làng cùng với các cán bộ xã, thôn đã phải cất công lên làng đào Nhật Tân để học hỏi kinh nghiệm và mua giống đào ở đấy về trồng.
Những năm đầu do việc trồng cây đào vẫn còn quá mới mẻ và bà con nông dân chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nên cây đào chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Không chán nản, những cán bộ xã và bà con ở La Cả vẫn kiên trì chịu khó đi học hỏi thêm kinh nghiệm ở các nơi khác. Và sau đó đúng như những gì bà con mong mỏi, tin tưởng: “Đất không bao giờ phụ công người”.
Cây đào La Cả sau bao năm tháng thử thách, nay đã cho kết quả tốt. Hiệu quả kinh tế từ cây đào mang lại là rất cao. Lợi nhuận thu được từ trồng cây đào cao gấp hàng chục lần so với trồng lúa và những loại cây khác. Trên thực tế đã có không ít gia đình thoát khỏi nghèo đói, nhiều người trở thành triệu phú nhờ trồng đào, nên người dân nơi đây chuyển đổi hết sang trồng đào cảnh bán tết.
Ông Dũng tự tin: “Ngày nay riêng ở La Cả đã có đến hơn 100ha đất nông nghiệp chuyển đổi sang trồng đào. Gần 90% số hộ gia đình ở làng coi công việc trồng đào là nguồn thu nhập chính của gia đình…”.
- Một mùa đào bội thu
Như Tết mọi năm, giá bán buôn “đào chợ” dao động khoảng 100.000 - 200.000 đồng/gốc. Những gốc đào vào loại đẹp thì giá có khi lên đến 600.000 đồng, thậm chí hàng triệu đồng. Ông Dũng cho biết: “Khi mà lượng đào ở Nhật Tân không còn chiếm ưu thế như những năm trước và như thời điểm cuối năm ngoái thị trường đào tết ở miền Bắc nói chung đã bị “cháy” nên khách ở các nơi đổ dồn về La Cả đặt mua. Và năm nay tính đến thời điểm này đã có rất nhiều chủ hàng ở các nơi khác đặt mua trước…
Chúng tôi đến thăm ruộng đào nhà bác Nguyễn Trung Thuyết, một trong những người đầu tiên trồng đào ở La Cả. Hiện nay gia đình bác trồng trên dưới 1.000 gốc đào bán tết. Bác tự hào khoe với chúng tôi: “Từ ngày chuyển đổi sang trồng cái giống đào này, thu nhập quả có khá hơn. Mỗi một sào tôi trồng được gần 200 gốc. Mỗi năm, một sào đào của tôi cũng lãi ngót nghét chục triệu. Nhà tôi có 5 sào ruộng, tôi quyết định trồng hết đào. Nếu thời tiết cuối năm nay thuận lợi thì 5 sào đào nhà tôi bét ra cũng thu được ngót nghét 40 đến 50 triệu đồng…”.
Trung bình mỗi gia đình ở La Cả cũng trồng được khoảng trên dưới 400 đến 500 gốc đào. Những gia đình trồng 800 - 900 gốc không phải là hiếm. Những hộ gia đình mạnh dạn đầu tư, trồng với số lượng lớn như nhà các anh: Nguyễn Đức Trung, Bùi Đình Thiên… trồng đến hơn 1.000 gốc, ước tính cũng thu được hàng trăm triệu đồng.
Trước kia người dân La Cả còn phải vất vả đem đào đi bán lẻ ở trong Hà Nội thì bây giờ cây đào trồng ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Năm nay các chủ hàng từ mãi tận trong Nam (TPHCM) ra đặt mua trước, nên đến thời điểm bây giờ đào La Cả đang được giá.
Trần Văn - Bùi Khương