Chúng tôi về xã Nhơn An (huyện An Nhơn, Bình Định) trong những ngày giữa tháng Chạp khi làng mai đang vào mùa. 10 năm qua, nhờ cây mai, bộ mặt nông thôn ở Nhơn An đã thay đổi diệu kỳ, với những ngôi nhà kiểu “biệt thự mi ni”, những chiếc ô tô chạy trên đường giao thông nông thôn bóng loáng và những nông dân làng mai thanh lịch, điềm đạm.
Trồng mai đổi đời
Nghề trồng mai xuất hiện ở xã Nhơn An cách đây gần 20 năm, ban đầu chỉ một vài hộ nhỏ lẻ ở thôn Háo Đức nhưng giờ Nhơn An được người dân Bình Định gọi là “xã mai”. Trong ngần ấy thời gian, nghề trồng mai đã “biến” hàng chục nông dân ở Nhơn An thành triệu phú, số có đến hàng trăm người.
Nhắc đến đường “phất lên” của mình, ông Bùi Thanh Long (Sáu Long) ở thôn Háo Đức nở nụ cười đầy mãn nguyện nói: “Những năm gần đây nghề trồng mai như diều gặp gió, ai trồng nhiều trúng nhiều. Ở làng mai Háo Đức, một hộ nông dân kiếm vài trăm triệu đồng mỗi năm là chuyện thường”. Hiện ông Sáu Long có khoảng 3.000 gốc mai lớn nhỏ, trong đó có 1.000 gốc trên 5 tuổi. Ông cho biết thêm: “Trong năm 2009, gia đình tôi thu 800 triệu đồng từ bán mai, các năm trước đó cũng thu từ 300 đến 500 triệu đồng mỗi năm. Dịp Tết Tân Mão này, tôi cũng dự kiến sẽ thu trên 400 triệu đồng từ mai…”.
Trên đường vào thôn Háo Đức, nhiều người đứng lại nhìn và trầm trồ thán phục vườn mai của ông Tư Khoa (Đỗ Văn Khoa). Trong số 350 gốc mai lâu năm của ông, có hơn 100 gốc trên 30 tuổi, mỗi chậu mai trong vườn nhà ông có giá từ 15 đến 60 triệu đồng. Cách đây vài năm, chuyện ông Khoa đem 4 chậu mai đổi lấy chiếc ô tô trị giá hơn 600 triệu đồng của một đại gia ở TPHCM đã gây chấn động khắp làng. Vào năm 1996, hai vợ chồng ông xây được căn nhà với kinh phí hơn 1 tỷ đồng cũng đã gây “sốc” ở huyện An Nhơn. Nổi tiếng vậy, nhưng nếu khách lạ mới đến, nhìn ông mặc đồ lao động, cặm cụi tỉa cành, bắt sâu ngoài vườn mai, không mấy ai nghĩ ông là tỷ phú.
Ông Khoa kể: “Hơn 20 năm trước, vợ chồng làm 10 sào ruộng nuôi 12 đứa con ăn học… muốn đứt hơi. Từ năm 1989 đến nay, khi những chậu mai trong vườn bắt đầu khoe sắc, kinh tế khấm khá hẳn lên. Bây giờ trong 12 đứa con, 7 đứa vào lập nghiệp ở TP HCM, 2 ở Đà Nẵng, 1 đã đi nước ngoài… Hai vợ chồng tôi cho người khác thuê ruộng, chỉ tập trung chăm sóc 2 vườn mai gần 700 gốc, vừa làm vừa chơi mỗi năm cũng lãi ròng hơn 150 triệu đồng”.
Ông Khoa hiện là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh xã Nhơn An, nơi có gần 700 hội viên tham gia sinh hoạt và tất cả đều là nông dân trồng mai. Không những giỏi nghề, ông Khoa còn đi đầu trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nghề trồng mai. Hiện vườn mai của ông trở thành mô hình điểm của Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây mai chất lượng cao theo hướng chuyên canh hàng hóa tại Bình Định” do Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH-KT Bình Định chủ trì.
“Đạo” trồng mai
Theo thống kê, xã Nhơn An có khoảng hơn 2.500 hộ, với gần 11.000 nhân khẩu thì đã có khoảng 1.500 hộ trồng mai chuyên nghiệp, chiếm khoảng 65%. Trong số này, có đến 95% số hộ sống nhờ vào cây mai. Ngoài Tư Khoa, Sáu Long, ở Nhơn An còn có hàng chục “triệu phú nông dân” khác như Sáu Ngữ (Đặng Xuân Ngữ), Lê Văn Phú, Bùi Thành Long, Hồ Minh Nhựt, Hồ Minh Nguyệt, Trường Hào... Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm xã Nhơn An thu được 6 đến 8 tỷ đồng từ tiền bán mai, riêng làng Háo Đức thu khoảng 4 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, nông dân ở xã Nhơn An cũng đã thu được gần 2 tỷ đồng trong mùa mai Tết Tân Mão.
Nghe chúng tôi băn khoăn vì cái lạnh sẽ làm mai trổ hoa không kịp tết, với vẻ mặt đầy tự hào, Chủ tịch UBND xã Nhơn An Bùi Văn Cư nói: “Thời tiết lạnh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nở hoa của cây mai. Nhưng người trồng mai chuyên nghiệp ở xã đều biết cách xử lý cho mai trổ hoa đúng thời điểm nên không lo. Ở Nhơn An bây giờ, cây mai đã dần thay cây lúa trên đồng ruộng và thu nhập của nông dân cũng cao hơn trước nhiều lần. Nếu căn cứ các tiêu chí của Hội Sinh vật cảnh để phong nghệ nhân, xã chúng tôi phải có hàng ngàn nghệ nhân trồng mai”.
Từ làng Háo Đức, quá trình “mai hóa” ruộng vườn đã lan dần ra các huyện lân cận như Tuy Phước, Phù Cát, Quy Nhơn, Hoài Nhơn… Mai vàng Bình Định được thương lái đem bán tận Tây Nguyên, ra Bắc, vào Nam. Theo ông Tư Khoa, “mai Bình Định” được ưa chuộng vì ngoài sắc vàng rực còn được tạo thế đẹp, đa dạng. Hiện ở Bình Định có tới vài chục giống mai, hồng, hoàng, bạch mai được phân theo màu hoa; cúc mai, hoàng tỉ, ngũ đài hoa… phân theo cấu tạo hoa, số cánh. Ông Khoa nói rằng “Bình Định được mệnh danh là “đất võ, trời văn”, người Bình Định yêu thích thi ca và luôn có trong mình tinh thần thượng võ, còn cây mai tượng trưng cho cốt cách của người quân tử. Mai rất kén chọn người trồng. Nhìn vào “thế” mai, người ta cũng có thể biết được cái “chất” của người trồng nên trồng và chăm sóc hoa mai cũng là một cách rèn luyện cái đạo trong cõi nhân sinh này. Trồng mai cũng có “đạo trồng mai”, ai ngộ ra được người ấy sẽ thắng”.
HOÀNG TRỌNG