Vĩnh biệt nhà thơ Tế Hanh

Thương nhớ lan xa mấy dặm đường...

Lễ tang nhà thơ Tế Hanh
Thương nhớ lan xa mấy dặm đường...
Nhà thơ Tế Hanh.
Nhà thơ Tế Hanh.

Năm 1941 (trong Thi nhân Việt Nam), Hoài Thanh – Hoài Chân có nhận xét về Tế Hanh: “Tôi thấy ở Tế Hanh một người tinh lắm. Tế Hanh đã ghi được đôi nét rất thần tình về cảnh sinh hoạt chốn quê hương. Người nghe thấy cả những điều không hình sắc, không thanh âm như mảnh hồn làng, những cánh buồm giương, như tiếng hát hương đồng quyến rũ con đường quê nho nhỏ… Tế Hanh luôn nói đến những con đường!”.

Nhà thơ Tế Hanh tên đầy đủ là Trần Tế Hanh, sinh ngày 20-6-1921 tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, trên 60 năm làm thơ và hầu như chỉ hoạt động trong mảng thơ (sáng tác thơ và dịch thơ).

Tế Hanh có một con đường, con đường thơ của Tế Hanh không chỉ là đường đất: “Tôi, con đường nhỏ chạy lang thang”, đường sông bể “Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi”, đường sắt “Đón những chuyến tàu, đến những ga”…

Tế Hanh đi trên những con đường ấy để thấy “Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng”, để nghe “Hương đất hương đồng chẳng ngớt tuôn”, và để cảm “Thương nhớ lan xa mấy dặm đường”…

Lễ tang nhà thơ Tế Hanh

Lễ tang nhà thơ Tế Hanh do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương 108 - Bộ Quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông Hà Nội.

Lễ viếng bắt đầu từ 7 giờ đến 9 giờ ngày 19-7-2009 (tức ngày 27 tháng 5 nhuận năm Kỷ Sửu).

Lễ truy điệu lúc 9 giờ, lễ hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ (Văn Điển, Hà Nội) lúc 10 giờ 30 cùng ngày 19-7.

Hài cốt nhà thơ Tế Hanh được an táng vào hồi 10 giờ 30 ngày 20-7-2009 tại Nghĩa trang Thanh Tước Hà Nội.

Th.V.

Ai từng yêu mến thơ mới, hay nói như ngày nay là thơ tiền chiến, ai từng học phổ thông trung học một thời… đều thuộc lòng bài thơ nổi tiếng của Tế Hanh - bài thơ “Nhớ con sông quê hương”

Quê hương tôi có con sông xanh biếc

Nước gương trong soi tóc những hàng tre

Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè

Tỏa nắng xuống dòng sông lấp loáng

Nếu như nói rằng “chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên, thiết tha rạo rực như Xuân Diệu… kể cũng cần thơ “ân tình như Tế Hanh”. Bởi vì cho đến ngày Tế Hanh qua đời (16-7-2009), Tế Hanh chỉ có một con đường thơ qua những con đường dong duổi tìm kiếm những ân tình cho mình, cho người, cho quê hương đất nước và tựu trung là cho con người ân tình.

Còn nhớ, cách nay không lâu, tình cờ trong một lần ra Hà Nội, nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà thơ Trinh Bảo ở tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam có trao đổi với nhà báo Ngọc Yến, Báo Sài Gòn Giải Phóng, về công tác từ thiện – xã hội. Là chỗ quen biết cũ, các anh chị trong báo Văn Nghệ mong muốn Báo SGGP giúp đỡ và hỗ trợ thêm đối với những văn nghệ sĩ lão thành, ốm đau, gặp khó khăn. Cùng với nhà văn Sơn Nam, nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Khải… ở TP Hồ Chí Minh, còn có cả nhà thơ nhà văn ở thủ đô Hà Nội như nhà thơ Phạm Hổ, nhà thơ Tế Hanh…

Sau đó, nghe tin Ban Biên tập Báo SGGP phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh thành lập Quỹ Hỗ trợ sáng tác đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và trợ giúp các nhà văn… giới văn nghệ sĩ rất mừng.

Trò chuyện với các nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà văn Nguyễn Trí Huân, nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh (Nam Hà), Xuân Thiều, Phạm Ngọc Cảnh, Hà Phạm Phú, Lê Quang Sinh, cánh nhà văn Hà Nội còn hết lời cảm kích trước những việc làm từ thiện-xã hội đối với văn nghệ sĩ tại TP Hồ Chí Minh, trong đó có Hội Ái hữu nghệ sĩ của Hội Sân khấu và Quỹ Hỗ trợ sáng tác văn học của Báo SGGP.

Nhưng nhà thơ Tế Hanh chưa nhận được gì nhiều sự giúp đỡ ấy thì ông đã ra đi. Ở tuổi 89, chắc hẳn nhà thơ Tế Hanh lại đi con đường thơ ông đã chọn.

Lần giở đọc những dòng tâm sự của ông, chúng ta hiểu thêm ước nguyện, tâm tình của một nhà thơ lớn đối với thơ Việt Nam: “Thơ phải gắn liền với dân tộc, đất nước. Nhà thơ không nên biến những bài thơ của mình thành những bài báo hàng ngày. Trong đời một người làm thơ thì tuổi trẻ là quan trọng nhất. Vì thế những nhà thơ lớn tuổi phải biết quý trọng những nhà thơ trẻ vì họ là tương lai của nền thơ ca đất nước”. Hôm nay, nhà thơ Tế Hanh đã giã biệt dương gian để:

“Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương”

VŨ ÂN THY

Cải chính

Báo SGGP ra ngày thứ sáu 17-7-2009 trong bài “Vĩnh biệt nhà thơ Tế Hanh” có đăng kèm ảnh. Do sai sót của phóng viên, báo xin cải chính lại như sau: ảnh đăng kèm bài về nhà thơ Tế Hanh trên trang 1 và trang 7 không phải là ảnh nhà thơ Tế Hanh.

Ban Biên tập Báo SGGP chân thành xin lỗi gia đình nhà thơ Tế Hanh, nhà thơ Xuân Tâm và bạn đọc.

Tin cùng chuyên mục