Thương quá áo dài ơi!

Chiếc áo dài trắng nữ sinh đã đi vào tâm hồn người Việt Nam từ bao thế hệ qua như một bài thơ đẹp… Quê hương trong những giấc mơ tìm về nguồn cội của người Việt xa quê chính là hình ảnh chiếc áo tinh khôi bay lượn như đàn bướm trắng ở sân trường. Đẹp lắm áo dài ơi, đẹp lắm những góc sân trường giờ ra chơi, đẹp lắm những tà áo tung bay trên hè phố buổi tan trường…

Từ những năm 50, áo dài trắng đã là đồng phục nữ sinh trung học ngay từ cấp 2, nghĩa là nữ sinh khi vào lớp đệ thất (lớp 6) đã mặc áo dài. Chiếc áo dài nữ sinh như sự khẳng định của một giai đoạn trưởng thành. Từ ngưỡng cửa tiểu học bước lên bậc trung học nghĩa là trẻ đã bắt đầu bước sang một trang mới của cuộc đời. Các môn học và cách học cũng khác vì mỗi môn học đều có thầy, cô phụ trách riêng. Vì thế, dù chỉ 12 tuổi, cô bé đã xúng xính áo dài, và sung sướng với sự đổi mới của mình.

Và lúc đó chính chiếc áo dài sẽ giúp cô định hình rõ giới tính của mình đối với các bạn trai. 6 năm mặc áo dài trắng ở trường, mỗi năm cô gái sẽ tự nhận biết thêm một chút về bản thân mình, từ chiếc áo rộng suôn đuột của bé gái 12 tuổi đến chiếc áo uốn lượn theo sự nẩy nở dậy thì của cô gái 18 tuổi. Đó là điều thú vị rất thầm kín và đã để lại trong tâm hồn thiếu nữ của những cô nữ sinh áo trắng biết bao kỷ niệm khó quên trong cuộc đời.

Sau giải phóng, chiếc áo dài trắng nữ sinh đã từng bị lãng quên trong 15 năm đầu khó khăn của đất nước, nhưng bắt đầu đến thập niên 90 nó đã được khôi phục trở lại. Và với nhận thức mới hơn, chiếc áo chỉ dành cho những cô nữ sinh ở lứa tuổi trăng tròn cấp 3. Cũng là lúc những bài thơ, bài nhạc ào ạt ra đời trong cảm xúc choáng ngợp của những “thương quá áo dài ơi”… Đó cũng là lúc cô nữ sinh đến trường trong niềm tự hào vô hạn về hình ảnh rất đẹp của mình…

Nhưng vì sao bây giờ chúng ta lại bắt đầu nghe quá nhiều những lời than phiền về sự vướng víu, bất tiện của chiếc áo dài? Cũng lạ, bởi chưng chiếc áo dài trắng đã sống cùng nhiều thế hệ nữ sinh Việt Nam suốt nửa thế kỷ qua, đâu phải là chuyện mới để có thể bàn luận nên hay không nên, vướng vấp hay không vướng vấp?

Vì sao suốt hơn 50 năm qua không có ai lời ra tiếng vào về hai vạt áo có thể bị vướng vào xe, không ai nói chiếc áo bó vào người gây nóng bức khó chịu, không ai lên tiếng về sự hấp dẫn đáng ngại của những đường cong ở chốn học đường? Nghĩ cho cùng, rõ ràng chiếc áo dài nữ sinh đang chịu một án oan khi bị kêu ca là vướng vấp. Bởi nếu là vướng vấp thực sự thì có lẽ thế hệ nữ sinh thập niên 60-70, mới cảm thấy khó chịu hơn ai hết, vì lúc bấy giờ nữ sinh phần lớn đi xe đạp.

Vấn đề chính là khi mặc áo dài, cô gái phải biết cách đặt vạt áo lên xe như thế nào trông dịu dàng, đẹp mắt mà không thấy cản ngại. Đó cũng là một cách giáo dục truyền thống dành riêng cho người phụ nữ Việt Nam, một nét đẹp mà không phải đất nước nào cũng có. Nếu ngại ngần bởi những đường cong hấp dẫn thì chính nhà trường phải biết điều chỉnh để chiếc áo dài phải đúng là chiếc áo học trò chứ không phải để biểu diễn thời trang. Bởi chiếc áo nữ sinh không cần bó sát eo, và nhất thiết dù với chất liệu vải nào, vẫn phải có áo lót bên trong.

Tôi biết hiện nay, có khá nhiều nữ sinh ủng hộ chủ trương biến đồng phục áo dài trắng thành bộ jupe đồng phục vì cảm thấy gọn nhẹ hơn, dễ dàng nô đùa, chạy nhảy hơn. Nhưng với tâm trạng của người đã từng mạêc chiếc áo dài trắng nữ sinh trong suốt 6 năm thời trung học, tôi thực sự thấy tiếc và buồn khi nhìn những buổi tan trường tràn ngập những bộ jupe đồng phục với chiếc áo ngắn tay có thắt cravate trên cổ. Bộ đồng phục mang máng như đồng phục của các nữ sinh Hàn Quốc, Trung Quốc, hay Singapore…? Và cảm giác như mình đang bị đánh mất cái gì lớn lắm, như là một nét riêng rất đẹp của Việt Nam đang bị chối từ….?!

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục