Thương tiếc Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn!

Sau một thời gian dài lâm trọng bệnh, Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn đã từ trần vào lúc 21 giờ ngày 19-4-2024, tại tư gia, hưởng thọ 83 tuổi. 

Thương tiếc Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Bôn!

GS-NSND Tạ Bôn, sinh năm 1942 tại Thường Tín, Hà Tây, trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Cha ông là nhạc sĩ Tạ Phước, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc Gia Việt Nam). Các anh em của ông đều theo nghiệp đàn dây là Tạ Tuấn, Tạ Đôn (violon), Tạ Huấn (cello). Ông bắt đầu học violon với cha từ khi mới 5 tuổi.

Lúc sinh thời, GS-NSND Tạ Bôn nguyên là Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam ngày nay), nguyên Trưởng đoàn Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO). Ông đã để lại nhiều dấu ấn và thành tựu vinh quang trong sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật của mình, là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên tham dự các cuộc thi âm nhạc quốc tế.

NSND Ta Bon.jpg

Ông sớm được đào tạo tại những nhạc viện uy tín trên thế giới như Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc và Nhạc viện Tchaikovsky tại Nga. Ông trở thành tài năng nổi bật thuộc thế hệ những nghệ sĩ violon chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam, những người đầu tiên mang đến những âm thanh của âm nhạc cổ điển thế giới đến với công chúng Việt Nam.

Trong thời gian học tập tại Nhạc viện Tchaikovsky, ông được giới chuyên môn và truyền thông Moskva đánh giá cao về tài năng trình diễn nghệ thuật. Ông đã biểu diễn trong nhiều chương trình nghệ thuật hàn lâm tại nhiều tỉnh thành trong nước và ở các nước Nga, Trung Quốc, Phần Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Cu Ba, Hungary, Bungary, Campuchia…

Với uy tín của mình, ông đã được mời làm giám khảo các cuộc thi quốc tế P.I.Tchaikovsky (Nga, năm 1978, 1982, 1986), là khách mời danh dự cuộc thi quốc tế J.S.Bach (Đức, năm 1980, 1984).

Năm 1992, ông là solist trong chương trình Nhạc giao hưởng vòng quanh đất nước. Từ năm 1994 đến năm 2006, ông là Trưởng đoàn Giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM. Từ năm 2007, ông đảm nhiệm vai trò là cố vấn nghệ thuật của HBSO. Ngoài công tác biểu diễn và chịu trách nhiệm nghệ thuật, ông còn dàn dựng một số tác phẩm cho đàn dây.

Song song với sự nghiệp biểu diễn vinh quang, ông còn có nhiều thành tựu trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nghệ thuật. Khi công tác tại Nhạc viện Hà Nội, ông đã đóng góp tích cực trong xây dựng và phát triển công tác đào tạo nghệ thuật tại Nhạc viện, tâm huyết giảng dạy, truyền nghề, cho nhiều thế hệ nghệ sĩ violon tài năng, trong đó có nhiều học trò đã trở thành những thành viên nòng cốt của dàn nhạc dây Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam.

Ông cũng đào tạo thành công nhiều nghệ sĩ xuất sắc như: Tạ Đôn, Đỗ Xuân Tùng, Nguyễn Tuyết Trang, Trọng Bình, Đỗ Phượng Như, Bùi Công Duy, Tạ Tôn, Nguyễn Anh Giang…

Với nhiều đóng góp lớn trong sự nghiệp phát triển nền âm nhạc Việt Nam, ông nhận Học hàm Giáo sư vào ngày 18-9-1991 và là giáo sư violon đầu tiên ở Việt Nam.

Ngày 29-8-2001, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.​

GS-NSND Tạ Bôn ra đi đã để lại bao tiếc thương cho gia đình, người thân, đồng nghiệp, bao thế hệ học trò và khán giả yêu quý ông.

Tang lễ GS-NSND Tạ Bôn được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp.

Lễ viếng bắt đầu vào lúc 10 giờ ngày 22-4-2024. Lễ truy điệu tổ chức lúc 5 giờ 30 ngày 23-4-2024. Sau đó linh cữu sẽ được đưa đi an táng tại công viên nghĩa trang Phúc An Viên, TP Thủ Đức, TPHCM.

Tin cùng chuyên mục