Thủy điện An Khê - Ka Nak và những hệ lụy

Thủy điện An Khê - Ka Nak và những hệ lụy

Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak được khởi công từ năm 2005, nhưng công tác bồi thường, tái định canh đến tận thời điểm tổ máy số 1 đã hòa lưới điện quốc gia (11-6-2011) vẫn chưa hoàn thành.

Ông Võ Văn Phán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Kbang, cho biết, từ khi lập dự án cho đến khi đền bù, hỗ trợ, tốn nhiều thời gian, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân trên địa bàn huyện. Để phục vụ công trình này, gần 2.500ha đất sản xuất nông nghiệp, đất ở, ao, vườn của khoảng 1.100 hộ dân huyện Kbang bị mất. Đã vậy, cơ chế bồi thường, hỗ trợ thay đổi hàng năm, gây nhiều thắc mắc, khiếu nại. Trong số này, khu tái định canh làng Kroi (thị trấn Kbang) chỉ mới ở giai đoạn… quy hoạch.

Khu nhà tái định cư tại xã Đăk Smar (huyện Kbang) nhìn khang trang nhưng chủ đầu tư không bố trí đất vườn quanh nhà để phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Khu nhà tái định cư tại xã Đăk Smar (huyện Kbang) nhìn khang trang nhưng chủ đầu tư không bố trí đất vườn quanh nhà để phù hợp với tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai xây dựng cụm thủy điện Ka Nak, mỗi hộ người Ba Na về khu tái định cư được nhận nhà và các công trình phụ như bếp và nhà vệ sinh. Mỗi ngôi nhà tương ứng với số tiền từ 90 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng. Có thể nói, việc xây dựng các làng tái định cư của chủ đầu tư đã làm cho bộ mặt nông thôn của huyện Kbang thay đổi. Tuy nhiên, đó chỉ là bề ngoài, thực tế một số hạng mục bên trong các làng tái định cư còn nhiều bất cập. Hệ thống nước phục vụ cư dân dẫn từ núi về không ổn định, lúc có, lúc không, chất lượng không đảm bảo, người dân vẫn phải dùng nước hồ, nước suối.

Đất sản xuất cũng đang là bức xúc của bà con. Gần 400 hộ dân người dân tộc thiểu số ở các xã Lơ Ku, Đăk Smar và Kroong (huyện Kbang) rời làng cũ (khu vực lòng hồ thủy điện An Khê - Ka Nak) để đến khu tái định cư từ nhiều tháng nay, nhưng đến bây giờ vẫn không có đất sản xuất.

Ông Đinh Đuih - Lang Cam (xã Đăk Smar) tâm sự: “Làng mình trước đây ở dưới kia - vùng bị ngập nước do làm thủy điện, bây giờ về khu tái định cư mới có nhà cửa khang trang, nhưng lại không có cái ăn nên cả làng lo lắng lắm. Con trâu, con bò cũng không có chỗ chăn, phải thả vào rừng. Không chỉ dân làng ở xã Đăk Smar gặp khó khăn do thiếu đất sản xuất mà nhiều hộ gia đình của xã Lơ Ku cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mùa bắp, mùa mì... đã lần lượt đi qua, nhưng bà con vẫn ngồi nhà không có việc làm. Cuộc sống thiếu thốn, các hộ phải vay tiền để mua gạo, mua muối nhưng đến giờ, gạo, muối cũng sắp hết, không biết còn ai cho vay tiền nữa không?

* Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak nằm ở bậc thang trên cùng của sơ đồ khai thác bậc thang thủy điện trên sông Ba - con sông lớn ở miền Trung. Công trình được xây dựng trên địa bàn huyện Kbang, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) và huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), do Ban 7 làm chủ đầu tư. Dự án này gồm hai nhà máy thủy điện An Khê (160MW) và Ka Nak (13MW), với tổng công suất lắp máy 173MW, tổng sản lượng điện trung bình hàng năm gần 700 triệu kWh.

Đức Trung

Tin cùng chuyên mục