Thủy điện bị đe dọa vì... ít mưa

Mặc dù đã bắt đầu vào mùa mưa nhưng hiện nay các hồ chứa nước tại miền Trung thiếu nước trầm trọng. Tại Quảng Nam, thủy điện A Vương - thủy điện lớn nhất miền Trung, đã đi vào hoạt động có công suất 210MW - hiện nay mực nước hồ chứa chỉ còn 347,05m, trên mực nước chết 7,05m, thấp hơn cùng kỳ năm 2009 là 13,8m.

Mặc dù đã bắt đầu vào mùa mưa nhưng hiện nay các hồ chứa nước tại miền Trung thiếu nước trầm trọng. Tại Quảng Nam, thủy điện A Vương - thủy điện lớn nhất miền Trung, đã đi vào hoạt động có công suất 210MW - hiện nay mực nước hồ chứa chỉ còn 347,05m, trên mực nước chết 7,05m, thấp hơn cùng kỳ năm 2009 là 13,8m.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện A Vương, cho biết: Hiện nay, mực nước hồ thủy điện A Vương thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nhà máy Thủy điện A Vương hiện hoạt động 90% công suất do cột áp xuống thấp, chỉ còn 7m nữa là đến mực nước chết. Khi mực nước xuống còn 340m (mực nước chết) thì nhà máy phải ngừng hoạt động.

Ước tính, với mực nước còn lại khoảng 40 triệu khối, nếu như hoạt động khoảng dưới 80% công suất thì Nhà máy Thủy điện A Vương có thể cầm cự đến hết tháng 9-2010 là hết nước.

Trong khi đó, từ cuối tháng 8 đến nay, lưu lượng nước trung bình về hồ rất thấp, dao động từ 37,7m³/s đến 58,7m³/s. Trong khi cùng thời điểm này năm 2009, lưu lượng nước về hồ A Vương trung bình từ 101m³/s đến 163m³/s, thậm chí có những ngày mực nước về hồ lên trên 260m³/s.

Tuy nhiên, theo ông Lê Đình Bản, mực nước hồ chứa A Vương đến nay thấp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng chưa đến mức báo động vì miền Trung chuẩn bị bắt đầu vào mùa mưa lũ. Nếu như từ nay đến cuối tháng 9-2010 mà tình trạng này vẫn tiếp diễn thì nguy cơ nhà máy phải ngừng hoạt động do hết nước là rất lớn.

Cùng số phận với thủy điện A Vương, các thủy điện ở Bình Định, Phú Yên cũng đang bị đe dọa vì thiếu nước trầm trọng. Theo Công ty cổ phần Thủy điện Định Bình (huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) hiện nay đang trong giai đoạn xả lũ nên mỗi ngày chỉ phát điện khoảng 120.000 kWh, trong khi công suất tối đa của nhà máy là 160.000 - 170.000 kWh/ngày. Thời gian tới, nếu tiếp tục xả nước phục vụ nông nghiệp và không có mưa lớn, nhà máy này sẽ rơi vào tình trạng không còn nước để phát điện.

Trong khi đó mực nước các hồ chứa của hai Nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn (Bình Định) và Sông Hinh (Phú Yên) thuộc Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh đều xuống mức thấp. Hiện hồ chứa ở thủy điện Sông Hinh trên mực nước chết 0,89m, với công suất mỗi ngày phát khoảng 840.000 kWh, nhà máy Sông Hinh chỉ cầm cự được khoảng một tuần nữa là hết nước.

Tại thủy điện Vĩnh Sơn, hồ A trên mực nước chết 7,65m, hồ B trên mực nước chết 1,36m, hồ C đã về mực nước chết. Hiện Nhà máy Vĩnh Sơn mỗi ngày phát điện khoảng 1,5 triệu kWh, nếu hoạt động với công suất như thế này thì chỉ 10 ngày nữa là hết nước.

Theo bà Nguyễn Lan Châu, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chưa năm nào xảy ra tình trạng, giữa mùa lũ mà thủy điện Hòa Bình không xả bất kỳ cửa đáy nào. Và từ đầu mùa mưa lũ 2010 đến nay, hồ này chưa một lần mở cửa xả.

Ng.Khôi - H.Trọng - V.Phúc

Tin cùng chuyên mục