Sau sự cố động đất và rò rỉ nước ở thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vừa qua, người dân bắt đầu lo lắng về “hiệu ứng đô-mi-nô” có thể xảy ra khi vỡ đập và đặt giả thuyết: nếu vỡ đập xảy ra thì ứng phó ra sao khi không có kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập?
Quảng Nam có tất cả 43 dự án thủy điện (trước đây là 58 dự án), trong đó 10 dự án thủy điện có công suất trên 50MW, được bố trí bậc thang trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn do Bộ Công thương phê duyệt với tổng công suất 1.094MW, điện lượng 4,365 tỷ kWh/năm; 33 dự án còn lại là thủy điện vừa và nhỏ (49MW trở xuống) do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, quản lý. Trong số 10 dự án do Bộ Công thương quản lý, hiện có 3 thủy điện đã đi vào hoạt động là thủy điện A Vương, Sông Tranh 2 và Đắk Mi 4.
Trước đây, khi lập hồ sơ thiết kế, tất cả các dự án đều lập báo cáo tác động môi trường, song chưa dự án nào chú trọng đến quy trình vận hành xả lũ và xả lũ liên hồ. Sau “sự cố xả lũ A Vương”, dư luận lên tiếng quyết liệt, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Nam sau đó đã xây dựng quy trình xả lũ liên hồ đối với tất cả các hồ thủy điện trên địa bàn Quảng Nam.
Cuối năm 2011, tại khu vực huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) – nơi hồ thủy điện Sông Tranh 2 có sức chứa 730 triệu m3 nước tọa lạc – liên tục xảy ra động đất kích thích khiến người dân mất ăn mất ngủ vì sợ động đất làm vỡ đập. Nỗi lo ấy chưa dứt, chỉ vài tháng sau, gần cuối tháng 3-2012, thủy điện Sông Tranh 2 bị chảy nước xối xả trên thân đập khiến nỗi lo đập vỡ lại càng thêm lớn.
Điều người dân lo lắng hơn cả, đó là các thủy điện ở Quảng Nam được bố trí bậc thang trên cùng một hệ thống sông, nên chẳng may sự cố vỡ đập xảy ra phía đầu nguồn thì rất có thể nhiều thủy điện ở hạ lưu của hệ thống sông sẽ bị cuốn phăng theo dòng nước. Nếu vậy, không chỉ thiệt hại nặng nề về kinh tế, hàng chục vạn người dân Quảng Nam, và cả TP Đà Nẵng, cũng hứng chịu thảm họa này.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi kiêm Chánh Văn phòng BCH PCLB tỉnh Quảng Nam, cho biết, các địa phương dọc sông Thu Bồn như: Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn nếu xảy ra sự cố. Lâu nay vấn đề xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập thủy điện gần như chưa được quan tâm. Đơn vị quản lý, chủ đầu tư các công trình thủy điện phải nghiên cứu tác động xả lũ, xây dựng kịch bản sự cố vỡ đập, tác động của nó với hạ du ra sao… Nếu không xây dựng kịch bản là thiếu sót lớn vì đây là vấn đề không khó.
Theo ông Tuấn, thời gian tới, Quảng Nam sẽ đề nghị các chủ đầu tư khi thiết kế xây dựng thủy điện, ngoài đáp ứng các yêu cầu bắt buộc hiện nay cần phải xây dựng kịch bản ứng phó sự cố vỡ đập, để từ đó địa phương làm cơ sở xây dựng phương án phòng tránh và di dân khi cần thiết.
Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, sắp đến tỉnh phối hợp với Quân khu 5 và các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát và xây dựng phương án ứng phó sự cố vỡ đập, dù khả năng xảy ra sự cố chỉ 1%.
Nguyên Khôi
| |
|