Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ” (FIRST) với tổng mức đầu tư 110 triệu USD vừa được khởi động. Dự án này chú trọng đến việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có mức giá phù hợp, có khả năng tiếp cận với đông đảo dân cư, nhất là nhóm người nghèo và người có thu nhập thấp. Trước đó, Chính phủ Phần Lan cũng đã hỗ trợ nước ta triển khai chương trình đổi mới sáng tạo và phát triển khoa học - công nghệ (KH-CN). Giống như FIRST, dự án này cũng sẽ giúp tăng cường hơn nữa hiệu quả của mối liên kết “ba nhà” giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà quản lý.
Có thể nói, không phải đến bây giờ chúng ta mới quan tâm chuyện đầu tư cho các hoạt động sáng tạo, KH-CN hay nghiên cứu và phát triển. Thế nhưng, lâu nay, phần thì bí bách kinh phí, phần thì vướng cơ chế lỗi thời, khi lại thiếu nhân lực phù hợp… nên dấu ấn của KH-CN trong nền kinh tế nước ta khá mờ nhạt.
Các chỉ số về KH-CN của chúng ta thường xuyên nằm ở các vị trí thuộc nửa sau của thế giới. Theo tính toán của các chuyên gia, năng suất công nghiệp phần mềm của Việt Nam chưa bằng 1/10 của Mỹ; nhóm sản phẩm công nghệ cao và dịch vụ công nghệ cao đóng góp chưa tới 10% GDP của nước ta… Bên cạnh đó, một số khảo sát mới đây của các cơ quan chuyên môn và tổ chức kinh tế cho thấy chưa đến ¼ doanh nghiệp có đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển hay đổi mới để làm chủ công nghệ và rất ít doanh nghiệp có mối quan hệ hợp tác với các đơn vị nghiên cứu KH-CN.
Những thực tế đáng lo này đã dẫn đến thực trạng đáng buồn là năng suất lao động và chỉ số sử dụng hiệu quả vốn và lao động của chúng ta đều rất thấp. Năng suất lao động của Việt Nam được đánh giá thấp hơn cả chục lần so với các nước hàng đầu khối ASEAN và cách xa gần trăm lần so với các nền kinh tế tiên tiến như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)… Trong khi đó, năng suất lao động lại ảnh hưởng đến tốc độ lẫn chất lượng tăng trưởng kinh tế, sản lượng và thu nhập của nền kinh tế và tất nhiên cũng có “dây mơ rễ má” với sự cân đối kinh tế vĩ mô.
Rõ ràng là phần lớn trong chúng ta đều đồng ý rằng KH-CN hay nghiên cứu và phát triển là động lực chính thúc đẩy xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng phát triển. Và doanh nghiệp nào cũng hiểu rõ việc sáng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới là một yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp tiến lên phía trước nhưng rất ít doanh nghiệp đủ sức cũng như chấp nhận đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Nguyên nhân cơ bản nằm là ở thái độ và quan điểm về con đường phát triển. Đa số chúng ta vẫn có thói quen “ăn xổi ở thì”, “bóc ngắn cắn dài”, sao chép, tâm lý và giải pháp “mì ăn liền” luôn “thường trực” ở một bộ phận không nhỏ trong xã hội nói chung và giới doanh nghiệp nói riêng.
Vì vậy, chúng ta ít thấy được những sản phẩm mang bản sắc Việt và có độ hấp dẫn cao đối với thị trường trong và ngoài nước; và do vậy, nỗi lo tụt hậu luôn canh cánh trong lòng những công dân và doanh nghiệp có tâm với đất nước. Làm sao để Việt Nam thoát khỏi vị trí ít giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu? Thế giới không thiếu những bài học và tấm gương về phát triển để chúng ta nghiên cứu và áp dụng. Tăng trưởng dựa trên gia tăng vốn tín dụng, lao động giá rẻ, sao chép công nghệ vốn và sẽ là mô hình phát triển mong manh và giả tạo. Còn xu thế phát triển bền vững có nền móng là đề cao vai trò của sở hữu trí tuệ, chú trọng hoạt động nghiên cứu và phát triển, tạo ra liên tục những sáng chế khác biệt…
TIÊU LINH PHƯƠNG