
Nhìn thấy mức độ thủy ngân tiếp tục tăng cao, vườn cây ăn trái nứt nẻ và thảo mộc héo úa, những người nông dân ở ngoại ô Bắc Kinh tụ họp nhau tại ngọn đồi Hương ở phía Tây thành phố. Khác với tổ tiên, họ không múa hát để cầu mưa hay vào đền thờ van vái đức Phật Như Lai ban mưa. Không, họ vồ lấy ống phóng tên lửa và một khẩu pháo nòng 37mm... bắn lên trời!
Chiến dịch thay đổi khí hậu tại Bắc Kinh
Những người nông dân này là thành viên của một “đạo quân làm mưa” lớn nhất thế giới: Chương trình thay đổi khí hậu Trung Quốc. Thứ mà họ bắn lên trời không phải đạn pháo hay tên lửa, mà là hóa chất. Mục tiêu của họ không phải là quân xâm lược, mà là tạo ra mây mà họ muốn cấy bằng những hạt iodure bạc. Chúng hút ẩm và tạo nên những giọt nước đủ nặng để rơi xuống đất.

Trung Quốc bắn pháo tạo mưa tại Bắc Kinh.
Theo bà Wang Guanghe, giám đốc chương trình, ngày nay, mọi tỉnh ở Trung Quốc đều có đạo quân thay đổi khí hậu. Họ có tổng cộng hơn 32.000 người, với 7.100 khẩu đại pháo, 4.991 ống phóng tên lửa đặc biệt và 30 máy bay.
Bà giải thích: “Đây là một chương trình khí hậu nhân tạo lớn nhất thế giới về thiết bị, nhân lực và ngân sách”. Ngân sách hàng năm để thay đổi khí hậu Trung Quốc khoảng 60 - 90 triệu USD.
Trung Quốc là một đất nước đặc biệt khô hạn, khí hậu quan trọng đến mức không thể giao phó vào tay của những ông thần tráo trở là thiên nhiên. Các nhà khoa học Trung Quốc chú tâm đến mưa nhân tạo từ năm 1958. Họ đã từng làm các thí nghiệm với nhiều loại hóa chất như iodure bạc và tuyết carbonic, để tạo hiện tượng ngưng tụ nước trong mây.
Ý tưởng khởi đầu từ cuộc chiến chống khô hạn. Ngày nay, các quan chức phụ trách khí hậu nhân tạo lại được giao một nhiệm vụ mới: bảo đảm thời tiết trong xanh cho Thế vận hội mùa hè năm 2008.
Theo bà Zhang Qiang, phụ trách điều khiển chiến dịch thay đổi khí hậu tại Bắc Kinh, từ 2 năm qua, đơn vị này đã thực hiện nhiều thí nghiệm để tìm ra phương cách tốt nhất giải tán mây vào ngày lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh, dự kiến là 8-8-2008.
Theo bà, dựa vào số liệu thống kê, có xác suất là 50% để trời đổ mưa vào hôm đó. Như vậy người ta phải nghiên cứu các chất liệu để hình thành mây nhiều kích cỡ khác nhau, ở những độ cao khác nhau. Mục tiêu là hóa giải các đám mây thật sớm, để vào ngày đại lễ trên bầu trời thật trống trơn. Tuy nhiên, bà Zhang Qiang báo trước rằng các “thợ săn mây” chỉ đạt hiệu quả nếu đó là… mưa bụi hay mưa phùn: “Không thể nào tiêu diệt được một đám mưa lớn”.
Mặc dù cộng đồng khoa học quốc tế còn nghi ngờ, Chính phủ Trung Quốc vẫn vững tin khả năng hóa giải mưa của họ. Mới đây Tân Hoa Xã cho biết: trong khoảng năm 1999 đến 2006, người Trung Quốc đã tạo ra được 250 tỷ tấn nước mưa nhân tạo, đủ sức rót đầy sông Hoàng Hà nhiều lần. Kế hoạch kinh tế 5 năm lần thứ 11 của Chính phủ Trung Quốc đề xướng vào năm 2006, dự kiến tạo ra khoảng 50 tỷ mét khối nước mưa nhân tạo mỗi năm.
Một đạo quân làm mưa đang được huấn luyện

Khẩu pháo bắn hóa chất tạo mưa.
Bà Zhang Qiang xác nhận rằng, ngân sách của cơ quan bà đã được gia tăng gấp nhiều lần trong những năm vừa qua. Theo Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc chỉ có 2.200 m3 nước mưa cho mỗi đầu người, bằng 25% con số trung bình của thế giới.
Tuy nhiên, mưa nhân tạo đã gây ra nhiều tranh cãi, ngay cả tại Trung Quốc. Dân thành phố lo sợ ô nhiễm dù rằng Zhang Qiang và Wang Guanghe quả quyết rằng iodure bạc sử dụng với số lượng rất nhỏ, không hề gây hậu quả nào đối với sức khỏe.
Cũng có trường hợp đạn pháo để tạo mây đi lạc, rơi xuống nhà dân và làm bị thương người. Tháng 5-2007, tại Trùng Khánh, ở phía Tây Nam Trung Quốc, một người đi đường đã bị chết vì đạn pháo.
Theo bà Wang Guanghe, trong những năm vừa qua tai nạn đã giảm nhiều. Bà cho biết, 135 nông dân thuộc “đạo quân làm mưa” của thành phố Bắc Kinh đang được huấn luyện ráo riết suốt nhiều tuần qua trước khi sử dụng pháo binh. Họ được chi trả mỗi người 100 USD/tháng, và bắn pháo 40 lần trong một năm. Người ra lệnh cho họ tấn công mây không ai khác là Zhang Qiang.
Bà chính là thần Zeus của Hy Lạp, hay Indra của Ấn Độ giáo, hoặc Đông Hải Long Vương của Trung Quốc thời hiện đại. Thế nhưng người phụ nữ khiêm tốn này vẫn tìm cách xóa mờ vai trò của mình: “Chúng tôi cố gắng hết sức mình, nhưng chẳng có gì bảo đảm thành công”.
Đinh Công Thành
(Theo Asia Time Online)