Tiến độ giải cứu rùa Hồ Gươm: Đặt bẫy rùa tai đỏ

Tiến độ giải cứu rùa Hồ Gươm: Đặt bẫy rùa tai đỏ

Trong ngày hôm qua, 1-3, các công tác nhằm “giải cứu và chữa trị” rùa Hồ Gươm đã được tiến hành khẩn trương. Trong đó đáng chú ý là việc chính thức đặt các bẫy để đánh bắt rùa tai đỏ tại Hồ Gươm.

Chiều 1-3, ông Vũ Như Hạnh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Hà Nội, cho biết, từ đêm 28-2, việc đặt bẫy bắt rùa tai đỏ tại Hồ Gươm đã được thực hiện. Hiện tại, Sở KH-CN bố trí 5 bẫy quanh khu vực đền Ngọc Sơn và đều là dạng bẫy nổi, có thể bắt rùa tai đỏ khi chúng bò lên tắm nắng. Địa điểm này được chọn vì có nhiều cây và trước đây thường là điểm có nhiều rùa tai đỏ bò lên. Đến chiều 1-3, 5 bẫy này đã bắt được 7 cá thể rùa tai đỏ.

Sở KH-CN đang tính đến khả năng tăng số bẫy để việc bắt rùa tai đỏ có thể thực hiện nhanh hơn. Trước đó, để thử nghiệm thiết bị, Sở KH-CN cũng đã lắp đặt các loại bẫy này tại hồ Văn Quán (quận Hà Đông) và bắt được khá nhiều cá thể rùa tai đỏ.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đang khẩn trương dọn dẹp các chướng ngại vật và tạo bãi cát ở chân Tháp Rùa.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội đang khẩn trương dọn dẹp các chướng ngại vật và tạo bãi cát ở chân Tháp Rùa.

Trong khi đó, Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm cũng được UBND TP Hà Nội thành lập gồm 13 thành viên. Bác sĩ thú y Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội được phân công làm chủ tịch. Hội đồng này có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đưa rùa về chân Tháp Rùa và bể lưu giữ để chữa trị; trực tiếp thực hiện các công việc khám, lấy mẫu, xét nghiệm, chẩn đoán, chữa trị những thương tổn của rùa; bảo đảm các điều kiện về an toàn, môi trường và chăm sóc sức khỏe cho rùa trong quá trình chữa trị...

Trường hợp cần thiết, Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm sẽ mời các chuyên gia nước ngoài có kinh nghiệm để tham gia khám, chữa trị, chăm sóc rùa Hồ Gươm. Việc thiết kế bể lưu giữ rùa trong quá trình trị bệnh đã hoàn thành và đang được khẩn trương lắp đặt tại chân Tháp Rùa.

Hôm qua, các công nhân của Công ty Thoát nước Hà Nội tiếp tục công việc dọp dẹp các chướng ngại vật, vật cứng, di chuyển một số đường ống được nhận định là gây ảnh hưởng đến đường đi và sinh hoạt của cụ rùa. Đồng thời chuyển cát ra và đắp xung quanh chân Tháp Rùa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cụ rùa có thể lên nghỉ ngơi.

Công ty Cấp nước sạch Hà Nội cũng bắt đầu bổ sung nước sạch vào hồ nhằm lưu thông lượng nước ở đất. Công việc dọn dẹp chướng ngại vật và tạo bãi cát ở quanh Tháp Rùa dự kiến hoàn thành trong 1 tuần.

PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, ông được giao nhiệm vụ giám sát toàn bộ các khâu diễn ra ở đây, liên quan đến việc “giải cứu và chữa trị” rùa Hồ Gươm. Hiện các công đoạn đang tiến hành khẩn trương song vẫn hết sức cẩn thận để không làm ảnh hưởng đến cụ rùa đang sinh sống trong hồ. phải sau khi thực hiện xong việc lưu thông nước, cải thiện môi trường sống, tạo bãi cát ở chân Tháp Rùa, chuyện đưa cụ rùa lên cạn để chăm sóc và điều trị mới thực hiện được.

Dự kiến, các đơn vị chức năng sẽ sử dụng hệ thống lưới phù hợp để đưa cụ rùa lên, nhằm đảm bảo an toàn, không gây hại gì đến cụ rùa.

Chiều qua, tại khu vực Hồ Gươm gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trên đường Đinh Tiên Hoàng, cụ rùa đã nổi lên trong khoảng 15 phút. Tuy nhiên mỗi lần cụ nhô đầu lên mặt nước chỉ 5-10 giây và di chuyển rất chậm chạp trước khi đi thẳng ra giữa hồ, khu vực gần đền Ngọc Sơn.

Trần Bình

Tin cùng chuyên mục