* Trên 700 đoàn với hàng chục ngàn người đến viếng
(SGGP).- Ngày 12-9, tại Hội trường Thống Nhất - TPHCM, BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN VN, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu theo nghi thức Quốc tang đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, nguyên Cố vấn BCH Trung ương Đảng CSVN, đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII, về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang TP.
Dự lễ truy điệu có các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng CSVN; Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Tấn Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN VN; Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN. Cùng dự lễ truy điệu có các đồng chí nguyên là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, cùng đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TPHCM và TP Hà Nội, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Nam (quê hương đồng chí Võ Chí Công), các cơ quan Trung ương, tỉnh thành phố trong cả nước, anh em, bạn bè gần xa ở trong và ngoài nước.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang, cho biết: Tổng cộng đã có trên 700 đoàn với hàng chục ngàn người đến viếng đồng chí Võ Chí Công. Trong đó có trên 50 đoàn nước ngoài, đặc biệt có đồng chí A Sang Laoly, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đoàn của Đảng, Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đến viếng.
Trong niềm tiếc thương vô hạn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Lễ tang, đã xúc động đọc điếu văn ôn lại cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Võ Chí Công.
>> Lời điếu tại lễ truy điệu đồng chí Võ Chí Công
Sau bài điếu văn của đồng chí Tổng Bí thư, toàn thể đại biểu có mặt tại hội trường nghiêng mình tưởng nhớ đến vị cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đáng kính trong phút mặc niệm thiêng liêng. Đại diện gia quyến, ông Võ Quốc Tấn, con thứ của đồng chí Võ Chí Công, bày tỏ niềm xúc động và lòng biết ơn đối với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, MTTQ và các đoàn thể, đồng chí, bạn bè, anh em gần xa đã tận tình chăm sóc đồng chí Võ Chí Công lúc lâm bệnh và cũng như tổ chức chu đáo lễ tang.
Đúng 7 giờ, trong tiếng nhạc trầm hùng của ca khúc “Hồn tử sĩ”, với niềm tiếc thương vô hạn, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến đồng chí Võ Chí Công đưa linh cữu đồng chí ra xe.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tham gia di quan cố Chủ tịch Võ Chí Công khỏi lễ đường. Đoàn xe chở linh cữu đồng chí Võ Chí Công bắt đầu rời Hội trường Thống Nhất.
Có mặt tại công viên phía trước Hội trường Thống Nhất từ rất sớm, những chiếc áo lính bạc màu, những người đồng đội cũ của ông Năm Công chuyền tay nhau những bài báo vừa ra. Dòng người đổ về ngày càng đông, mắt chăm chăm hướng về Hội trường Thống Nhất không rời, như sợ bỏ lỡ hình ảnh xe tang đi qua, như sợ bỏ lỡ giây phút tiễn biệt cuối cùng. Mặc trời nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại, nhiều ông cụ trong bộ áo sơ mi trắng, quần tây chỉnh tề; các bà lão tuổi ngoài 70, những bước chân run run vì tuổi tác cũng mang áo bà ba xuống phố để “tiễn đưa anh Năm Công”.
Bên cạnh những người cựu chiến binh đã từng biết về đồng chí Võ Chí Công qua những năm tháng chiến tranh khói lửa, tại buổi tiễn đưa còn có rất nhiều đoàn viên thanh niên có mặt để chờ đoàn xe tang đi qua. Các bạn trẻ chưa từng gặp mặt ông, chỉ biết ông qua những trang sách báo, những lời kể đã rất ấn tượng về một vị lãnh đạo cao cấp với những tư tưởng đổi mới, hết mình bảo vệ quyền lợi của nhân dân, nhất là những người nông dân quê nghèo...
Trong niềm tiếc thương vô hạn, đông đảo người dân TPHCM và một số tỉnh lân cận đã có mặt tại Nghĩa trang TPHCM từ rất sớm để chờ phút tiễn đưa đồng chí Võ Chí Công về với lòng đất mẹ với tất cả niềm tiếc thương vô hạn. Dẫu biết rằng sinh tử là lẽ thường, ông ra đi ở tuổi thượng thọ 100, nhưng đất, người xứ Quảng và trải dọc khắp chiều dài đất nước cùng biết bao thế hệ người dân hôm nay lòng vẫn đau đáu khi nhắc về ông. Nghĩa trang TPHCM, nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con kiên trung đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
| |