Tiền lệ tích cực trong việc xử lý các sai phạm

Việc Thành ủy và UBND TPHCM kiên quyết và nhanh chóng xử lý vụ “lương khủng” ở 4 doanh nghiệp công ích được dư luận rất hoan nghênh. Trước khi kỷ luật các cá nhân có sai phạm, việc thu hồi các khoản chi sai, tính toán lại thu nhập cùng những khoản lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đã được chỉ đạo thực hiện ráo riết. Các hình thức kỷ luật được đưa ra khá nhanh sau khi phát hiện vụ việc. Hy vọng điều này sẽ trở thành một tiền lệ tích cực trong việc xử lý các sai phạm, tiêu cực.

Vụ “lương khủng” bộc lộ một số vấn đề về mặt quản lý. Trước hết là thiếu sự kiểm tra, giám sát của ngành chủ quản trong các mặt hoạt động nói chung và việc chi trả lương thưởng nói riêng ở các doanh nghiệp trực thuộc. Trong khi các quy định về chế độ lương thưởng đã được ban hành, việc nắm bắt, vận dụng vẫn không được thực hiện, không đơn giản là “không biết” mà có yếu tố cố ý sai phạm, lại thiếu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng. Ngoài ra, thiếu sự giám sát độc lập của các tổ chức có chức năng giám sát tài chính. Ở một số doanh nghiệp, việc sử dụng ngân sách để trả lương được thực hiện theo kiểu “vừa đá bóng, vừa thổi còi” mà không có cơ chế giám sát khách quan, độc lập, dẫn đến sự lạm quyền, tùy tiện có hệ thống.

Cách thức, tính chất của vụ “lương khủng” ít nhiều có đặc điểm tương đồng với các vụ tham nhũng. Đó là việc cố tình vận dụng sai các quy định của pháp luật để trục lợi; chủ thể thực hiện hành vi sai trái thường là những người nắm quyền điều hành, quản lý tại đơn vị; thiệt hại gây ra đồng thời cho nhà nước và cả người lao động trong đơn vị. Để đảm bảo “an toàn” trong quá trình thực hiện các hành vi sai trái, người ta thường hình thành một nhóm, một ê kíp có tính thỏa hiệp, thông đồng nhau, câu kết nhau để trục lợi. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, đã xuất hiện tình trạng “tham nhũng tập thể”.

Thực tế còn có những vụ tham nhũng khác chưa được phát hiện, cũng có mức độ nguy hiểm không nhỏ. Do đó, cần tiếp tục phát huy để xử lý nghiêm minh các vụ việc tương tự, nhất là các vụ tham nhũng có quy mô lớn, gây bức xúc trong dư luận. Việc xử lý cần được thông tin công khai, rộng rãi cho nhân dân biết, vừa tạo sự giáo dục, răn đe chung vừa củng cố niềm tin của người dân với hoạt động chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước. Qua đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật để tránh bị lợi dụng, tránh việc “lách” để trục lợi. Cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chủ quản, các tổ chức độc lập theo chức năng chuyên ngành và các thiết chế nội bộ. Trong đó, cần phát huy vai trò giám sát, quản lý đảng viên và các hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của tổ chức Đảng và các đoàn thể.

MINH HẢI (quận 3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục