Tỉnh Quảng Ninh
Mở đầu cuộc trao đổi, ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng hai câu chuyện của ngành giáo dục và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ).
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh VŨ HỒNG THANH
Trung tâm phục vụ hành chính công huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh) đi vào hoạt động theo mô hình nhất thể hóa
Ông nói: Về giáo dục, trước kia cứ xây dựng chỗ này một điểm, chỗ kia một điểm, rồi đưa cô giáo đến, tính ra lãng phí ghê gớm mà lại kém hiệu quả. Có điểm trường có vài lớp, một cô phụ trách 2, 3 lớp, cứ quay qua quay lại lớp này, lớp kia, dạy chỉ vài em học. Bây giờ bỏ các điểm đấy đi, đưa các cô về một điểm chính của trường, hàng ngày thuê xe chở các cháu về đấy học với đầy đủ điều kiện học tập. Các cháu được ăn uống, nghỉ ngơi, học tập, vui chơi trong không gian của trường. Trước kia, một điểm trường chi phí hơn 1 tỷ đồng/ năm; giờ chỉ hơn 100 triệu đồng tiền đưa đón các cháu đi học.
Câu chuyện thứ hai là về hoạt động của hệ thống MTTQ. Trước kia, kết quả của một phong trào nào đó, Đoàn thanh niên báo cáo, rồi Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân… cũng báo cáo đã làm được việc đó. Tổng hợp lại, 1 con gà đội lên thành 5, 10 con. Chưa kể tình trạng chồng chéo giữa các tổ chức đoàn thể trong hệ thống MTTQ khi đoàn thể này thấy được việc, biết được việc, nhưng thấy có đoàn thể kia rồi nên ỷ lại, cho rằng phải phân công mới vào làm được.
PV: Đổi mới phương thức hoạt động ở đây là gì, thưa ông?
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh VŨ HỒNG THANH: Ở cấp huyện hiện nay, hệ thống MTTQ đã triển khai tinh giản bộ máy chỉ còn một cơ quan giúp việc chung, bao gồm toàn bộ các tổ chức đoàn thể. Từ công tác văn phòng, tổ chức cán bộ, tuyên giáo… có một bộ phận làm chung cho các tổ chức này trong hệ thống MTTQ. Ở cấp huyện, đồng chí Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch UBMTTQ. Trưởng các đoàn thể là Phó Chủ tịch UBMTTQ huyện. Các phong trào, rồi hoạt động giám sát, phản biện xây dựng chính quyền… đều trong khối đó thực hiện. Để tránh làm theo phong trào như trước, giờ làm gì đều phải đi vào thực chất, nhằm vào đúng đối tượng. Cụ thể, vừa qua trong tiến hành giải phóng mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư, tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách thống nhất, quyết liệt, đối tượng nào thì tổ chức đoàn thể đó làm công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Kết quả là một thời gian ngắn làm xong. Làm theo phương thức mới này, chỉ một đầu mối, một người đứng đầu tập trung phân công, giao việc và phối hợp thực hiện nên rất nhanh.
- Đối với các ngành khác, kết quả bước đầu tỉnh đánh giá ra sao?
- Ngành y tế cấp huyện trước kia có 5 đầu mối (Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, hệ thống trạm xá, Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình), giờ ghép lại chỉ còn 2 đầu mối, gồm quản lý nhà nước thành một nhóm, chỗ nào dịch vụ công quy vào một nhóm chuyển qua đơn vị sự nghiệp. Rồi phân cấp quản lý, những cái gì của tỉnh thấy cần thì giữ, còn không thì giao cho địa phương ở dưới họ quản lý.
Cùng với đó là chủ trương của tỉnh cho xã hội hóa ngành y tế bằng việc đưa tư nhân vào đầu tư, cùng khai thác với nhà nước. Hiện nay ở Bệnh viện Cẩm Phả, sân vận động Cẩm Phả đã làm thí điểm mô hình này và kết quả rất tốt. Nhà nước hàng năm không mất một đồng nào cho đầu tư, chi phí bộ máy, nhân sự... mà các đơn vị lại hoạt động rất hiệu quả.
- Về tinh giản bộ máy trong hệ thống chính trị, thực hiện thí điểm kết quả ra sao, thưa ông?
-Tại thành phố Hạ Long hiện đã thực hiện được 10 phường nhất thể hóa. Trước kia phải là 10 ông bí thư, 10 ông chủ tịch; giờ mỗi phường chỉ còn 1 ông bí thư kiêm chủ tịch. Như vậy, riêng chức danh này của 10 phường đã giảm được 10 người rồi. Ở dưới khu phố, tổ nhân dân hiện nay cũng đã nhất thể hóa, Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu, đồng thời là Trưởng ban MTTQ. Từ đó, cán bộ không chuyên trách ở các xã - phường giảm đi được bao nhiêu. Trước kia, theo định biên quy định cho cấp xã, phường loại 1 bao nhiêu, loại 2, loại 3 bao nhiêu thì cứ thế mà tính ra ngân sách chi tiêu. Cấp phường định biên 25 thì cứ xin đủ 25. Có phường tính chất công việc không nhất thiết phải 25, rà soát lại chỉ còn 23, có phường ở thành phố Hạ Long giảm tới 3, 4 định biên. Từ đó đã giảm biên chế trong bộ máy rất nhiều, bước đầu ước tính giảm được hơn 20%.
Về phương thức hoạt động ở cấp thôn, khu phố, tổ nhân dân cũng được thay đổi theo hướng không cấp kinh phí theo kiểu thường xuyên như trước kia nữa, thay vào đó là cấp kinh phí cho từng hoạt động và giao hết cho từng cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện để phát huy tính chủ động, sáng tạo. Trước kia, cứ tính phụ cấp cho cán bộ ở khu phố, thôn tổ nhân dân, không làm gì cũng hưởng, giờ đưa hết vào chi phí các hoạt động và được gọi là thù lao. Cái này nhân dân thấy hợp lý và ủng hộ, chứ không thể như trước, ở cấp khu phố mà có đến cả trăm người hưởng phụ cấp hàng tháng nhưng làm việc thì không thấy đâu, làm người dân bức xúc.
- Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng được tỉnh Quảng Ninh thực hiện kết quả ra sao, thưa ông?
- Trước kia, các cấp bộ Đảng thực hiện theo kiểu nghị quyết của Trung ương đưa xuống thì Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động, có xào nấu đi một tý rồi đưa xuống dưới các huyện, thị xã, thành phố. Ở cấp này lại xào nấu một tý rồi đưa xuống các phường, xã, thị trấn. Bây giờ làm khác, nghị quyết của cấp nào cấp ấy tự đề ra chương trình hành động sát với cấp mình, địa phương mình, từ đó bảo đảm tính khả thi.
Còn về 5 phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng như: ra nghị quyết, kiểm tra giám sát, tổ chức cán bộ, tuyên truyền tư tưởng, tổng kết nêu gương cũng được đổi mới theo hướng vận dụng vào thực tế và đặc thù của từng địa phương, từng ngành, không cứng nhắc như trước nữa. Ví dụ, sau Đại hội Đảng bộ tỉnh là Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kế hoạch kiểm tra, giám sát ngay tới các đơn vị, địa phương xem triển khai thực hiện tới đâu, còn vướng mắc ở chỗ nào, việc cụ thể hóa chương trình hành động ở cấp mình, đơn vị mình ra sao... Từ đó, định hướng, chấn chỉnh ngay, không đợi đến sơ kết, tổng kết mới làm.
- Về thực hiện Đề án 25 ở cấp tỉnh đã làm tới đâu?
- Chúng tôi mới triển khai ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo hướng sắp xếp, tinh gọn lại từng chức năng, nhiệm vụ của các phòng chuyên môn. Nhiều phòng ban, đầu mối có cùng chức năng, nhiệm vụ đều xem xét giảm đầu mối. Bước đầu đã sáp nhập được 3 đầu mối, giảm được 2 phòng. Các đơn vị sự nghiệp, hành chính công đã thực hiện đồng loạt trong tháng 10, 11. Qua rà soát bộ máy thấy tư duy bao cấp còn rất nặng nề, nhiều đơn vị sự nghiệp quen vị thế, uy tín, quen nguồn vốn cung cấp từ ngân sách nên ỷ lại, không chủ động trong tìm kiếm nguồn vốn để làm. Vừa rồi chúng tôi tính toán có những đơn vị làm ăn tốt, tự chủ 100%, không phải nuôi nữa, cắt hết ngân sách. Ví dụ như đơn vị đo vẽ địa chính, nguồn thu từ thực hiện hợp đồng cho các cá nhân, tổ chức mỗi năm cũng bao nhiêu tỷ đồng, đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên rất cao, nhưng ngân sách Nhà nước vẫn phải nuôi bộ máy là hết sức bất hợp lý. Giờ tính lại xem một năm thu được bao nhiêu, chi phí cho bộ máy bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu ngân sách mới bù.
- Dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá về nhất thể hóa như thế nào, thưa ông?
- Quá trình thực hiện Đề án 25 làm rất thận trọng, cân nhắc, tính toán rất kỹ, nghe đi nghe lại, rồi làm đến đâu đánh giá, rút kinh nghiệm đến đấy. Lúc đầu trong dư luận cũng có nhiều luồng ý kiến và tư tưởng nhận định khác nhau. Nhưng kết quả đại hội Đảng các cấp của tỉnh vừa qua thấy đồng thuận, thống nhất cao, nhất là nhân sự ở những nơi thực hiện nhất thể hóa, dư luận đánh giá tốt.
Năm 2016, tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện tinh giản 7 biên chế công chức và 363 biên chế viên chức thuộc các sở, ban, ngành và đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh. Đối với 14 huyện, thị xã, thành phố, đã tinh giản 55 biên chế công chức cấp huyện, 70 định biên công chức cấp xã, 428 viên chức; 45 hợp đồng; cắt giảm 282 hợp đồng lao động (trong đó 5 hợp đồng lao động thuộc cấp xã); đã thực hiện bố trí 3 chức danh ở thôn, bản, khu phố; thực hiện khoán số lượng và kinh phí hoạt động cho người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, cấp thôn; thôi thực hiện chi trả phụ cấp thường xuyên cho 17.697 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, bản, khu phố. (Nguồn: Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh) |