Làn sóng toàn cầu hóa đặt ra nhiều thách thức cho các quốc gia đang phát triển khi phải phân biệt rõ ràng ranh giới giữa hội nhập và hòa tan. Ở lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là ngôn ngữ, sự lưu giữ bản sắc riêng của mỗi dân tộc càng gặp nhiều khó khăn khi nhịp sống hiện đại đang ồ ạt tấn công vào lớp người trẻ, năng động và sẵn sàng tiếp nhận sự đổi mới.
Vừa qua, Chính phủ Malaysia đã ra quyết định là năm 2012 sẽ ngưng việc giảng dạy 2 môn Toán và Khoa học bằng tiếng Anh đối với học sinh lớp 1, lớp 4 (bậc tiểu học ở Malaysia gồm 6 khối lớp) và học sinh trung học. Thay vào đó, 2 môn này sẽ được giảng dạy bằng tiếng Bahasa, ngôn ngữ chính thức của Malaysia. Các trường học địa phương có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ của các dân tộc ở địa phương ấy như tiếng Trung hoặc Tamil.
Việc áp dụng thay đổi giữa chừng đối với học sinh lớp 4 đã gây không ít tranh cãi. Những người phản đối đã chỉ ra tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ quốc tế trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, mà còn là ngôn ngữ hỗ trợ trong hoạt động khoa học quốc tế. Hiện nay, trên 80% các tập san khoa học trên thế giới sử dụng tiếng Anh.
Ngay cả tập san khoa học tại các nước không nói tiếng Anh ở Bắc Âu và Nhật Bản cũng sử dụng ngôn ngữ này làm phương tiện thông tin. Tuy nhiên, gạt bỏ mọi dư luận, Bộ trưởng Giáo dục Malaysia, ông Muhyiddin cho biết ngành giáo dục vẫn còn thời gian để có những điều chỉnh thích hợp. Phương án học 2 môn Toán và Khoa học bằng 2 ngôn ngữ (tiếng Bahasa và tiếng Anh) sẽ có thể được cân nhắc.
Trước đó, năm 2006, Malaysia cũng đã áp dụng hình thức phạt tiền (khoảng 272 USD) nếu các nhà lập pháp và quan chức sử dụng tiếng Anh trong Quốc hội và các hoạt động khác của chính phủ. Trong trường hợp thực sự cần thiết phải sử dụng tiếng Anh, các nghị sĩ phải xin phép. Giám đốc khoa Ngôn ngữ của Viện Ngôn ngữ và Văn học Malaysia lúc ấy, ông N.Baharom giải thích những quy định này nhằm bảo vệ ngôn ngữ chính thức của quốc gia này.
Người dân của Indoneisa, đất nước láng giềng với Malaysia vừa qua cũng đã lên tiếng khi cô Karenina Sunny Halim dù xuất sắc đăng quang ngôi hoa hậu năm 2009 của nước này, nhưng lại tỏ ra chật vật khi nghe và trả lời những câu hỏi của ban giám khảo bằng tiếng Indonesia. Cô phải xin phép trả lời bằng tiếng Anh. Năm 2006, tại đây cũng có một trường hợp tương tự.
Hiện ở Malaysia, Brunei, Singapore, Indonesia, tiếng Anh đang được sử dụng như ngôn ngữ thứ hai. Điều này tạo nhiều thuận lợi cho quá trình hội nhập kinh tế cũng như hỗ trợ sự phát triển trong nhiều lĩnh vực của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, mặt trái của toàn cầu hóa cũng như sử dụng tiếng Anh thay thế tiếng mẹ đẻ đã đẩy nhiều nơi không còn giữ được bản sắc riêng của quốc gia mình. Việc điều chỉnh này cần được xuất phát từ những điều chỉnh của ngành giáo dục để có sự cân bằng hợp lý giữa quá trình tiếp nhận ngoại ngữ phổ biến của thế giới với việc duy trì tiếng nói của riêng mỗi dân tộc
Thiên Như