Tết đang về. Trên chiếc trẹt, người đàn ông đã ngoài 50 tuổi lướt nhẹ ngón tay trên phím đàn, giọng ca như được đẩy thêm để phiêu diêu theo sóng nước. Ở cái chợ nổi Cái Răng bán mua đủ thứ này, duy nhất chỉ có một chiếc ghe của ông mưu sinh bằng tiếng đờn giọng ca.
Sức sống một vùng sông nước
Tàu chở đoàn khách cập mạn trẹt (bè lớn, đáy, mũi bằng) có treo tấm bảng “Đờn ca tài tử” rồi từng người bám dây leo lên. Chiếc trẹt gần 30m² được dựng vách chia phòng (ngủ, bếp…) như nhà trên đất liền. Phần lớn diện tích để dành cho khách. Lý Hùng, nghe tên là biết nghệ sĩ? Nghệ sĩ gì đâu anh ơi. Tôi tên Lượm, Nguyễn Văn Lượm, quê ngay xã Long Tuyền (Bình Thủy – Cần Thơ); ôm đàn đi ca nên anh em đặt cho vui, người đàn ông đã ngoài 50 tuổi dáng vẻ cao gầy, khắc khổ, cười hiền lành.
Đúng ngày đầu năm dương lịch 2012, đoàn khách phương xa tình cờ được thưởng thức đặc sản nghệ thuật phương Nam ngay trên chợ nổi Cái Răng. Tết đến rồi, ca được bản “Bát cơm cúng mẹ” không? Chơi “Tình anh bán chiếu” đi… Cuốn sổ ghi hơn 100 bài, đủ vọng cổ, cải lương đến ca tài tử rồi cả tân nhạc được khách lần giở kiếm tìm.
Tay đờn, miệng ca, chân nhịp song loan một mình Lý Hùng nhiệt tình “bao dàn”. Hết đơn ca rồi cha con lại song ca. “Nếu chiều nay không có anh ai sẽ đưa em về/ Trời sắp đổ cơn mưa sao em còn đứng mãi…”, đứa con gái mới 7 tuổi tên Hân có cặp mắt tròn xoe loe cái miệng ca nghe muốn đứt ruột. Ông dợt cho nó dân ca đi, trẻ nít mà “đưa em về” nỗi gì? Nhân, ông chủ ghe trái cây vừa leo lên trẹt đã giành lấy micro, hắng giọng, nhập cuộc chơi… Gió xuân thổi dọc sông, mát rượi.
Lại một đoàn khách nữa, chiếc trẹt chòng chành. Hết ghế người ta ngồi bệt luôn xuống sàn, vỗ tay rần rần mỗi khi ông ngắt câu xuống xề. Vài ba chiếc tàu đến sau khách phải “ngồi tựa mạn thuyền” ngóng lên nghe từ chiếc ampli vọng ra, vẻ tò mò, thích thú.
Chợ nổi Cái Răng, địa chỉ du lịch khá nổi tiếng chỉ cách nội ô thành phố Cần Thơ 5-6 cây số, chủ yếu mua bán hàng nông sản. Chợ họp từ 4 đến hơn 8 giờ mỗi ngày. Người ta dựng những cây xăng hoành tráng trên sông và dài theo chợ nổi là những chiếc ghe len lỏi như xiếc giữa hàng trăm ghe tàu lớn phục vụ cà phê, bánh lọt, sim điện thoại, vé số… “Gần đây có người còn bỏ ra bạc tỷ đầu tư trẹt karaoke cho khách hát với nhau, nhưng đờn ca đúng nghĩa, có trưng bảng “cầu chứng” chỉ duy nhất có trẹt Lý Hùng”, dân chạy đò khẳng định.
Tình chợ nổi
“Để em lên bờ kiếm ít đồ lai rai nghe anh Năm”, Lý Hùng nói nhỏ. Khỏi, rượu và mồi có sẵn đây rồi…Và câu chuyện bập bềnh không dứt. Tết năm nay nhiều loại trái cây sẽ tăng giá do nước lớn, ngập sâu, rút chậm nên nhà vườn lãnh đủ, chủ vựa trái cây tên Nhân với hàng chục năm buôn bán trên sông, phân tích.
Hiện dưa hấu có giá 5.000 - 6.000 đồng/kg (năm ngoái chỉ trên 1.000 đồng), xoài cát Hòa Lộc gần 50.000 đồng/chục, vú sữa Lò Rèn hơn 14.000 đồng/kg… Trước ghe chật sông nay giảm sút gần nửa. Cảnh sắc chợ nổi nồng nàn và quyến rũ nhất vào dịp tết đến bởi hàng trăm ghe thương hồ (loại tải trọng trên 10 tấn) chở hàng bông đủ sắc màu khắp nơi tụ về. Mỗi ngày có trên 100 tấn hàng hóa trao đổi, khoảng 300-400 du khách nước ngoài đẩy lượng hàng và khách tăng 20%-30% so với một tháng trước tết. “Đó là thời điểm có thể kiếm kha khá tiền xài tết và dành dụm chút đỉnh ra giêng”, Nhân nói.
Biết vậy nhưng “lực bất tòng tâm” anh à, Lý Hùng tâm sự, đất đai ở nhà một khoảnh, nhỏ xíu à mần ăn lại khó khăn nên dắt nhau ra chợ nổi mưu sinh. Hồi đầu mua lại cái xuồng đã nát để bán nước giải khát. “Ngày đầu tiên bán được hơn 10.000 đồng, trị giá lúc đó cả thùng gạo, mừng quá rồi cặm cụi làm tới nay. Suốt ngày chèo lái tê cứng hai tay, có khi “vợ bán cà phê chồng tát nước”, cực lắm. Hai trong bốn đứa con đều sanh ra trên sông nước. Mới vậy đã trên 20 năm rồi…”.
Anh có trẹt và đổi nghề sang ca từ bao giờ vậy? Mới khoảng 6 tháng nay hà. Cũng nhờ anh em quen biết trên sông, “ông đờn ca được sao không tận dụng, người chợ nổi ca trên chợ nổi, hàng độc à”. Mỗi người giúp một ít sang lại cái trẹt cũ cũng hơn 30 triệu đồng, gom góp trả dần nay chỉ còn khoảng mười mấy triệu. Sau thấy có khách anh Nhân lại cho mượn thêm 2 chỉ vàng cơi nới ra mới được như vầy.
Hồn phách châu thổ
Chợ nổi, đặc trưng của đồng bằng phương Nam dọc ngang sông rạch, phô bày sự chan hòa giữa con người và thiên nhiên; ở đó con người khám phá thiên nhiên và thiên nhiên nâng đỡ con người. Vợ chồng Lý Hùng và tất cả những cư dân sông nước đã góp phần tạo ra một nét văn hóa riêng, độc đáo, chỉ có ở vùng đất ngập tràn phù sa châu thổ này.
Chiếc ghe nhỏ chở le hoe vài chai sữa đậu nành, bịch cà phê… Kim Chưởng, người vợ tần tảo của Lý Hùng chỉ nhún nhẹ đã lên sàn trẹt. Da sạm đen, ốm yếu như chồng, giọng nói oang oang, tính tình xởi lởi, miệng cười không dứt. “Hôm trước tôi phơi quần áo mà có khách lại hỏi mua. Chợ nổi treo gì bán nấy mà”, Kim Chưởng cười vang.
Lý Hùng giới thiệu vợ với khách: Anh em gợi ý mở dịch vụ ăn uống, lai rai trên sông sẽ kéo thêm được khách nhưng mướn thợ nấu phải trên 4 triệu đồng mỗi tháng, lo không nổi còn bà nhà tôi nấu “thấy thương”, làm món cá kho lạt mà bả đổ… dầm dề nước mắm! Cái lam lũ, cay cực vì chén cơm manh áo vẫn không thể lấn át, dập tắt được sự lạc quan, hồn nhiên chân tình, phóng khoáng, ưa san sẻ vốn có.
“Về phương Nam lắng nghe cung đàn/Thổn thức vọng dưới trăng mơ màng/Rồi theo sông Cửu Long nhớ nhung dâng tràn…”, giọng ca Lý Hùng vẫn man mát, bập bềnh... Nỗi niềm tha hương xa xứ của lưu dân Ngũ Quảng vẫn vọng cố hương, ẩn hiện nỗi buồn da diết. Và thật lạ, “đàn thiên thu” của Lý Hùng hầu như chưa bao giờ “đứt dây tơ rồi” dù cuộc sống có bao đổi dời, vật lộn kham khổ. Không trường lớp, ngón nghề chỉ học qua bạn bè mà Lý Hùng chơi được ba bốn loại nhạc cụ, rành rẽ nhịp thức Nam ca Bắc oán…
Cái chất nghệ sĩ dân đồng bằng hầu như ai cũng có, âm hưởng giai điệu cứ tự nhiên ngấm vào máu thịt như ăn như thở vậy, đằm sâu trong tâm thức lúc nào chả hay rồi lớn dần theo chiều dài năm tháng. Và khi cần, họ mưu sinh bằng “vốn tự có” đó, bằng chính những giai điệu đã giúp mình phổng phao lớn vậy. Cội nguồn, cái “mảnh dân tộc” ấy vẫn luôn ẩn chứa, lắng đọng trong lòng đôi vợ chồng nghèo cũng như bao người châu thổ. Vì vậy nó sẽ không bao giờ mất, sẽ sống mãi với sông nước Nam bộ.
Từ xuồng ba lá lên trẹt đã là sự đổi đời của vợ chồng Lý Hùng, là kết quả của sự không cam chịu, năng động, biết nắm bắt cơ hội để sống cho đàng hoàng hơn, có ích cho gia đình và xã hội. Tinh thần đó tràn ngập khắp đất chín Rồng, từ anh nông dân đến người bán vé số, nhà văn Sơn Nam có lần tổng kết như vậy. Phía trước còn “trầy trụa” lắm, Lý Hùng biết vậy, nhưng ý thức vượt lên chính mình và cái tình chợ nổi chắc sẽ dần làm nhẹ bớt gánh nặng mưu sinh trên đôi vai vợ chồng nghèo. Ai cũng mong vậy.
Chắc không xa chợ nổi, sẽ sống hoài ở đây. Bao năm quen rồi anh ạ. Cả mấy đứa nhỏ cũng vậy thôi. Cực thì cực tết nào cũng phải lo tươm tất hai bên nội ngoại, Lý Hùng nhỏ nhẹ. “Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi/Thương những đời như lục bình trôi”… Chiếc Ampli lại trở chứng, rột rẹt nhưng tiếng ca như níu giữ hồn phách châu thổ.
VŨ THỐNG NHẤT