Tiếp tục phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho địa phương thực hiện các dự án cao tốc, quốc lộ

Chính phủ khẳng định tiếp tục tạo điều kiện cho các địa phương có thể thực hiện các dự án cao tốc, quốc lộ hiện đang thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ GTVT, nhằm sớm khởi công và hoàn thiện các dự án giao thông liên kết vùng.
Chính phủ quyết nghị khởi công, thực hiện ngay trong giai đoạn 2021-2025 hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, quốc lộ, cao tốc của vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL sử dụng nguồn vốn đầu tư công
Chính phủ quyết nghị khởi công, thực hiện ngay trong giai đoạn 2021-2025 hàng loạt dự án giao thông trọng điểm, quốc lộ, cao tốc của vùng Đông Nam Bộ và vùng ĐBSCL sử dụng nguồn vốn đầu tư công

Ngay trước phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, đầu tư công, Bộ KH-ĐT đã có văn bản gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐB) giải trình về ý kiến ĐB tại phiên thảo luận tổ. Trong đó, ĐB đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm để thúc đẩy sự liên kết trong phát triển giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bộ KH-ĐT cho biết, thực hiện các Nghị quyết số 24-NQ/TW và Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội của vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết về chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối giữa vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL.

Các nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ: khởi công, thực hiện ngay trong giai đoạn 2021-2025 các dự án giao thông trọng điểm, quốc lộ, cao tốc của 2 vùng sử dụng nguồn vốn đầu tư công như dự án đầu tư xây dựng vành đai 3 đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng; dự án cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đi qua địa bàn các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang; dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đi qua địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, kết nối với đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận để tạo liên kết với TPHCM và vùng Đông Nam bộ; cầu Đại Ngãi mới khởi công kết nối tỉnh Trà Vinh với Sóc Trăng, tạo liên kết với quốc lộ 60 đi TPHCM và nhiều công trình khác.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề xuất nhiều dự án liên kết vùng như dự án đường ven biển từ nguồn vốn vay ODA, kết nối 7 tỉnh ven biển của vùng ĐBSCL (Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang) với vùng Đông Nam bộ để mở rộng không gian phát triển của vùng ĐBSCL về hướng Đông.

Trong thời gian tới, Bộ KH-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định một số nội dung nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm triển khai các dự án liên kết giữa 2 vùng. Cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, cơ quan chức năng sẽ rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kiến nghị đẩy nhanh tiến độ một số dự án liên kết vùng đang được quy hoạch thực hiện sau năm 2030 sang thực hiện trước năm 2030.

Rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù của vùng Đông Nam bộ và vùng ĐBSCL để có thêm nguồn lực cũng như các cơ chế, chính sách tháo gỡ về nguyên vật liệu xây dựng, về bồi thường giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.

Chính phủ cũng khẳng định tiếp tục nghiên cứu cơ chế phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các địa phương có thể thực hiện các dự án cao tốc, quốc lộ hiện đang thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ GTVT, nhằm sớm khởi công và hoàn thiện các dự án giao thông liên kết vùng.

Đồng thời, ngày 18-7-2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP về huy động vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài và tỷ lệ vay lại vốn vay nước ngoài của các dự án ĐBSCL theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, Chính phủ đồng ý huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài cho 16 dự án phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu của các bộ: GTVT, NN-PTNT và 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hiện nay, Bộ KH-ĐT đang tiến hành các thủ tục đối với các dự án nêu trên theo quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục