Mặc dù đã kiểm soát chặt hơn nhưng thời gian gần đây, các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng… vẫn là điểm nóng về thực trạng xuất lậu các loại quặng kim loại sang Trung Quốc.
Lén lút xuất quặng
Tại các tỉnh như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn đều có khá nhiều mỏ sắt, chì, kẽm, thiếc… Trong đó, nhiều mỏ đã được quy hoạch khai thác và bảo vệ, song nhiều khu vực gần như lộ thiên, không được quản lý nên người dân đang thi nhau khai thác, thu gom bán cho “đầu nậu” quặng để kiếm lời. Sau đó, một lượng nhỏ quặng được vận chuyển ngược lên biên giới thông qua hình thức ngựa thồ, xe thồ, “cửu vạn” cõng vác… Tuy nhiên, phần lớn quặng được đưa lên xe tải chở thẳng về khu vực tỉnh Lào Cai để tìm đường xuất sang Trung Quốc. Ngoài nguồn quặng từ Hà Giang, Cao Bằng còn có quặng từ các mỏ của Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang đưa lên, từ bên Điện Biên, Lai Châu đưa sang.
Dọc đường 70 từ Yên Bái lên Lào Cai, về ban đêm xe phủ bạt thường chạy như điên. Bên cạnh lượng xe chở nông sản xuất khẩu qua Trung Quốc thì mặt hàng chủ yếu vẫn là quặng. Sở GT-VT tỉnh Lào Cai cho biết, do hoạt động vận chuyển quặng từ các tỉnh về Lào Cai nên đường 70 Yên Bái - Lào Cai, quốc lộ 279 đã bị xe chở quặng “băm nát”.
Theo tiết lộ của dân buôn quặng, chúng tôi tìm đến khu vực nằm men sông Nậm Thi, thuộc địa phận từ xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng) lên ngoại ô TP Lào Cai. Từ nhiều năm nay, đây là điểm nóng về xuất lậu quặng sang Trung Quốc, đồng thời cũng là “cái rốn” của hàng lậu từ bên kia về. Từ đường 70 đi vào, chỉ cần qua sông Nậm Thi là sang tới đất Trung Quốc. Nằm dọc ven sông, có rất nhiều lều lán, kho xưởng. Bên dưới các lán đều có hệ thống máng trượt. Chỉ cần xe tải chở quặng đi vào, trút khoáng sản lên máng trượt là quặng lọt vào lòng thuyền một cách mau lẹ. Mặc dù ban ngày vắng vẻ, nhưng ban đêm hoạt động vận chuyển quặng vượt sông lại rất sôi động. Chỉ khoảng 3-5 phút là thuyền chở quặng sang bên kia sông.
Ông Nguyễn Bá Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Phó ban thường trực Ban chỉ đạo 127 tỉnh Lào Cai, cũng thừa nhận trong thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo dừng các hoạt động xuất khẩu quặng và khoáng sản nhưng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, quặng lậu từ khắp các ngả đổ về vẫn đang ngày đêm “chảy” ngược sang Trung Quốc. “Khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra gắt gao thì các đối tượng tìm mọi cách lén lút xuất quặng vào ban đêm” - ông Bình nói. Tại địa bàn Lào Cai, lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều vụ xuất lậu quặng. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan Lào Cai cho biết: “Các đầu nậu thường xé lẻ ra để vận chuyển sang bên kia sông. Vụ gần đây nhất là vào tháng 12-2012, chúng tôi đã bắt giữ được trên 2 tấn quặng lậu”.
Trước đó, vào ngày 27-11-2012, Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ xe ô tô mang biển 89C-00389 chở khoảng 50 tấn nhôm thỏi phế liệu, trị giá khoảng 1,5 tỷ đồng tại Km17 quốc lộ 70 thuộc địa phận xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng. Cũng 3 ngày trước, tại số nhà 053 đường M12, thôn Hồng Giang, xã Vạn Hòa (TP Lào Cai), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ lô hàng gồm 345kg quặng thiếc, trị giá 70 triệu đồng của chủ hàng là Nguyễn Thị Hoa Liên, sinh năm 1963. Còn ngày 21-11-2012, tại khu vực sông Nậm Thi, thuộc tổ 11, phường Lào Cai, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Lào Cai phát hiện 5 xe ô tô chở 57,8 tấn quặng đồng trái phép, của chủ hàng là Nguyễn Thị Hương, ở TP Yên Bái. Tổng trị giá hàng bị tịch thu là 1 tỷ đồng.
Không chỉ nóng ở khu vực Bản Quẩn, Bản Phiệt, Na Mo, Nậm Sò mà ở các điểm như Quang Kim, Trịnh Tường, A Mú Sung, Bản Vược (Bát Xát); Na Lốc, Cốc Phương, Pha Long (Mường Khương) cũng diễn ra hoạt động xuất lậu quặng. Theo Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bát Xát), nửa đêm 2-10-2012, lực lượng biên phòng đã phát hiện tại bờ suối biên giới thuộc khu vực thôn Lũng Pô 2, Giàng Seo Hòa, sinh năm 1986, trú tại thôn Lũng Pô 2 đang vận chuyển trái phép 3.750kg quặng đồng nguyên khai, chuẩn bị tuồn qua biên giới sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn hàng chục vụ vi phạm khác đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Kẽ hở quản lý
Phó cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Lào Cai Nguyễn Việt Quang cho biết, trong năm 2012, tình hình buôn lậu trên địa bàn có xu hướng tăng. Hoạt động xuất lậu qua biên giới chủ yếu là các loại quặng kim loại màu có giá trị như đồng, chì, kẽm, thiếc, vonfram, đất hiếm… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, những phi vụ vận chuyển và xuất lậu quặng bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vì tình trạng “chảy máu” khoáng sản diễn ra rất sôi động, việc xuất lậu mang lại nhiều lợi nhuận, nên thu hút nhiều đầu nậu, doanh nghiệp tham gia.
Theo quy định của Chính phủ, quặng và khoáng sản chỉ được phép xuất khẩu qua đường chính ngạch. Nhưng để trốn thuế, các doanh nghiệp, đầu nậu đã tìm cách xuất bán quặng cho các tư thương Trung Quốc thông qua các đường mòn, lối mở nằm dọc biên giới hoặc hai bên cánh gà các cửa khẩu phụ.
Một “đầu nậu” quặng ở Yên Bái tiết lộ, trước đây, sở dĩ các đầu nậu thi nhau xuất lậu qua sông Nậm Thi là vì nếu xuất theo đường chính ngạch, sẽ phải chịu nhiều mức thuế nộp cho nhà nước như thuế tài nguyên (10%), thuế giá trị gia tăng (10%), phí môi trường (3%) và thuế thu nhập doanh nghiệp (25% tổng lãi). Nếu thực hiện thành công một phi vụ xuất lậu quặng khối lượng lớn qua biên giới, chỉ cần “ăn” tiền trốn thuế, các doanh nghiệp và đầu nậu đã có thể bỏ túi hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, chưa kể lợi nhuận từ chênh lệch giá, dù giá bán quặng theo đường xuất lậu rẻ hơn xuất khẩu chính ngạch 10%-20%.
Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an), hiện nay tình trạng xuất lậu khoáng sản sang Trung Quốc đang diễn biến khá phức tạp, đối tượng buôn lậu dùng nhiều thủ đoạn tinh vi, làm thất thoát nguồn tài nguyên của quốc gia. Các hình thức liên quan hoạt động khai thác trái phép và xuất lậu khoáng sản, như: doanh nghiệp mặc dù đã được Bộ TN-MT và UBND các tỉnh cấp giấy phép khai thác nhưng không đầu tư nhà máy chế biến mà tìm cách bán quặng thô để thu lợi nhuận. Hoặc các đầu nậu thu mua khoáng sản từ các doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác để xuất lậu sang Trung Quốc. Còn ông Trần Vũ Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai thì cho rằng, một trong những lý do xuất lậu quặng vẫn xảy ra trên địa bàn là do hiện nay các địa phương vẫn chỉ tập trung chạy đua cấp phép cho các dự án khai thác mỏ mà chưa thực sự quan tâm “đầu ra” cũng như kiểm soát hoạt động vận chuyển, tiêu thụ. Vì vậy, cần phải rà soát lại việc cấp phép khai thác khoáng sản, thắt chặt các điểm khai thác lậu.
Trần Phúc