Tiếp tục tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới

Ngày 28-9, tại tỉnh Bắc Ninh, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng kết 20 năm thực hiện tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
Các đại biểu dự hội nghị
Các đại biểu dự hội nghị

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đến dự hội nghị.

Báo cáo kết quả 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay, năm 2015, việc tổ chức ngày hội đã được cụ thể hóa trong Luật MTTQ Việt Nam.

Từ năm 2013 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp Bộ VH-TT-DL tổ chức Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam hàng năm, vào dịp 18-11 trong Tuần lễ Di sản văn hóa Việt Nam.

Trung bình mỗi năm có trên 87% số khu dân cư trên cả nước tổ chức ngày hội; trên 62% số khu dân cư tổ chức được “bữa cơm đại đoàn kết”. Nhiều địa phương, cơ sở đã có sáng kiến lựa chọn chủ đề tổ chức ngày hội theo từng năm.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đại biểu dự hội nghị
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đại biểu dự hội nghị

Ở Trung ương, trong 20 năm qua có 731 lượt đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan tham dự ngày hội tại hơn 1.650 khu dân cư thuộc 63/63 tỉnh, thành. Tại các địa phương, hầu hết các đồng chí đứng đầu cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp đã tham dự ngày hội. Ngày hội là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên được gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi và lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Thông qua ngày hội đã phát huy tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, tinh thần “nhường cơm, sẻ áo”, chia sẻ, giúp đỡ những gia đình khó khăn. Nhân dân ở cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, đồng bào các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc vận động nhân đạo, từ thiện và an sinh xã hội.

Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội 4 cấp từ khi phát động vào năm 2000 đến nay đã vận động được trên 84.431 tỷ đồng, giúp xây mới và sửa 1.706.839 căn nhà Đại đoàn kết; trợ giúp trên 12 triệu lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về khám chữa bệnh và trên 3,3 triệu lượt học sinh, sinh viên về học tập.

Đặc biệt, trước sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19, nhân dân cả nước và kiều bào ở nước ngoài đã ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19 trên 25.800 tỷ đồng.

Ngày hội còn góp phần phát huy vai trò tự quản, tinh thần sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Song song, thể hiện sinh động kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công tác mặt trận từ cơ sở, trở thành đợt sinh hoạt chính trị - xã hội ở các cộng đồng dân cư, khơi sức mạnh nội sinh góp phần hiện thực hóa các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và cả nước.

Giá trị của ngày hội không những tôn vinh công tác mặt trận tại mỗi địa phương, mà còn giúp hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng của MTTQ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.

Dự thảo nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đổi mới, nâng cao chất lượng ngày hội trong giai đoạn mới nêu rõ, ngày hội tổ chức trong khoảng 1-11 đến 18-11 hàng năm. Tùy điều kiện, các địa phương có thể hướng dẫn cơ sở, khu dân cư tổ chức cùng một thời điểm để đảm bảo tập trung, thống nhất. Các địa phương có thể lựa chọn quy mô tổ chức: khu dân cư, liên khu dân cư; cấp xã, liên cấp xã; cấp huyện.

Đồng thời khuyến khích các tổ chức đoàn thể, nòng cốt là tổ chức công đoàn trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam địa bàn tổ chức ngày hội trong công chức, viên chức, người lao động, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân với quy mô phù hợp.

Tin cùng chuyên mục