Đừng lầm tưởng
Mới đây, nhiều bạn trẻ chia sẻ bài báo viết về cô gái 26 tuổi người Singapore tiết kiệm được 100.000USD sau 3,5 năm. Theo bài viết này, cô gái trẻ tiết kiệm đến mức tối đa, tiêu dùng cá nhân mỗi tháng dưới 50 USD (khoảng 1 triệu VND), không mua sắm quần áo, làm đẹp kể cả dịp lễ tết. Sinh hoạt phí như tiền điện, nước, đổ rác… cô gái này cũng duy trì ở mức dưới 50 USD/ tháng, bữa trưa thường chủ yếu ăn khoai lang và thơm. Dùng khoảng 70% thu nhập để đầu tư vào cổ phiếu và sau 3,5 năm, cô đã có khoản dư 100.000USD.
Không ít bạn trẻ cho rằng, đây chỉ là câu chuyện ảo, số ý kiến ngược lại tin tưởng câu chuyện nhưng mức chi tiêu quá tiết kiệm thì không phải ai cũng có thể áp dụng được. Thực tế, nhiều bạn trẻ Việt Nam vẫn lầm tưởng về mức chi tiêu của giới trẻ ở những nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản sẽ rất thoải mái.
Là một du học sinh và ở lại Seoul (Hàn Quốc) làm việc gần 10 năm nay, Trần Thị Tú (29 tuổi) chia sẻ: “Mức sống ở Seoul rất cao, nhưng không có nghĩa là ai cũng tiêu xài thoải mái, đa phần mọi người rất tiết kiệm. Như chuyện đi ăn bên ngoài, thỉnh thoảng tôi và bạn bè Việt Nam ở Hàn Quốc cùng những người bạn bản xứ đi ăn, tôi quan sát mọi người gọi đồ ăn rất cẩn thận, vừa đủ và không bỏ lại thức ăn dư, đó cũng là một cách tiết kiệm. Và thường giới sinh viên, người mới đi làm rất ít ăn bên ngoài”.
Đến TP Osaka (Nhật Bản) làm thực tập sinh, Nguyễn Thùy Dung (25 tuổi) kể: “Trong 3 năm, áp lực kiếm tiền là trên hết, một ngày tôi đi làm rồi về nhà, thỉnh thoảng cuối tuần ra ngoài đi dạo. Đây không chỉ là cuộc sống của thực tập sinh nước ngoài như tôi, mà giới trẻ Nhật Bản đều như vậy. Họ chỉ thực sự ăn uống hay hẹn hò nhóm bạn khi cần thiết, còn lại rất tiết kiệm. Thời gian đầu mới sang Nhật, tôi còn chưa quen cách chi tiêu tiết kiệm và chừa một khoản để dành, một người bạn Nhật Bản chỉ tôi dùng sổ Kakeibo. Đây là cuốn sổ thiết kế giúp bạn theo dõi chi tiêu mỗi ngày và tính khoản dư mỗi tháng cho bản thân. Hầu như ở Nhật ai cũng biết quyển sổ này, nhất là người trẻ áp dụng theo dõi chi tiêu của bản thân qua sổ Kakeibo để không tiêu xài quá tay vì sở thích mua sắm hay những cuộc vui bạn bè”.
Lên kế hoạch cho bản thân
Câu chuyện tiết kiệm của cô gái 26 tuổi ở Singapore không hẳn là điều đáng khích lệ và cần nhân rộng trong giới trẻ, bởi việc tiết kiệm quá mức đôi khi lại phản tác dụng. Tuy nhiên, vấn đề người trẻ cần nhìn nhận chính là việc chúng ta có thể có số dư trong tài khoản khá hơn bằng việc tiết kiệm từ trong chi tiêu mỗi ngày, để không phải rơi vào tình trạng “cháy tài khoản” hay đầu tháng nhận lương, cuối tháng phải đi vay mượn…
Ba năm đi làm không có dư, khiến Nguyễn Huy Hoàng (28 tuổi, ngụ quận Bình Tân) tìm cách cân bằng. Hoàng kể: “Tôi bắt đầu lên kế hoạch tiêu xài vừa chừng, đặt mục tiêu số dư cho mỗi tháng, cắt giảm những khoản không cần thiết và đặt giới hạn khi nào cần đi du lịch. Điều đó hoàn toàn bình thường, nó không hề làm giảm đi sự nhiệt huyết hay thanh xuân tươi đẹp của tuổi trẻ, ngược lại khi có dư, bản thân mình sẽ cảm thấy tự tin, chủ động hơn trong một số vấn đề. Sau đó, nhờ đồng nghiệp trong công ty giới thiệu, tôi tìm hiểu về tài chính, đầu tư để có thêm khoản phụ nhỏ”.
Tiết kiệm từ những chi tiêu nhỏ hàng ngày, cắt giảm những thứ không cần thiết cũng là một cách để bạn trẻ có dư. Tuy nhiên, đó chỉ là cách tiết kiệm một chiều và sẽ không tạo được nguồn thu phụ… Chuyện nhịn ăn, nhịn mặc để dành tiền mua xe, mua nhà của những bạn trẻ 8X, 9X thực tế có thể có, nhưng rất khó để nhiều người áp dụng. Bằng sự nhanh nhạy của mình, không ít người trẻ hiện nay dù làm việc tự do nhưng thu nhập khá, vì họ đầu tư vào nhiều kênh khác nhau, để tạo ra thu nhập phụ. Nhưng cuộc chơi này cũng không dễ, bởi đầu tư phụ cần phải tìm hiểu kỹ và chọn lựa kênh an toàn.
Hơn 3 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, Trần Thị Thủy Tiên (26 tuổi, quản lý một quỹ đầu tư, ngụ quận 8) chia sẻ: “Học và làm việc trong lĩnh vực tài chính, nhưng bản thân tôi cũng từng không dư đồng nào vì thói quen thích thì mua. Lên kế hoạch tiết kiệm và đầu tư thêm các nguồn phụ bên cạnh tiền lương, tôi mới bắt đầu có dư đáng kể. Và nếu bạn dám đặt mục tiêu mua nhà, mua xe năm bao nhiêu tuổi thì đó càng là động lực lớn để phấn đấu. Nhưng cũng phải biết cách chọn lựa phương án đầu tư thêm bên cạnh thu nhập chính, vì nếu chỉ có 1 nguồn thu nhập thì có vẻ không khả quan lắm”.
Người trẻ cần tập cho mình một thói quen chi tiêu tiết kiệm và nếu thích thì học thêm những kênh đầu tư an toàn để có thu nhập phụ. Hãy chuẩn bị kỹ để không rơi vào bế tắc tài chính hay vòng xoáy nợ nần...