Thay đổi hành vi tiêu dùng
Với công nghệ hiện đại, các cơ sở làm hàng giả, hàng nhái có thể làm tất cả mặt hàng thuộc nhiều lĩnh vực, từ thiết bị điện máy, điện tử, đồ trang sức, nước hoa, quần áo, mỹ phẩm, đến những mặt hàng thiết yếu hàng ngày như thực phẩm, gia vị... Những mặt hàng này xuất hiện ở mọi phân khúc thị trường, từ chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, thậm chí còn có mặt tại trung tâm mua sắm lớn ở nhiều đô thị lớn. Trong lĩnh vực thực phẩm, các sản phẩm thông dụng như nước mắm, nước tương, bột ngọt, đường… được làm giả, làm nhái khá nhiều. Nếu mua nhầm những sản phẩm này có thể gây ngộ độc thực phẩm cấp tính và về lâu dài còn là nguyên nhân gây nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, huyết áp, tim mạch... Một trong những khó khăn của NTD là khó phân biệt vì các loại hàng giả, hàng nhái được làm rất tinh vi, y như hàng chính hãng.
Trong thực tế, nạn hàng gian, hàng giả còn “đất sống”, một mặt do những thủ đoạn tinh vi của những người sản xuất, kinh doanh không chân chính, mặt khác cũng một phần do NTD chuộng giá rẻ, hoặc thường bỏ qua khi phát hiện hàng giả. Nhìn nhận về vấn đề này, bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, cho rằng một trong những nguyên nhân khiến nạn hàng giả, hàng nhái gia tăng là do luật pháp còn nhiều sơ hở, bất cập trong quản lý, chế tài chưa đủ mạnh và còn chồng chéo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý. Vấn nạn này đang gia tăng và để lại nhiều hệ lụy, làm thất thu ngân sách, làm xấu môi trường kinh doanh, các nhãn hàng lớn bị ảnh hưởng về uy tín… Trong khi đó, NTD chưa trang bị nhiều kiến thức, thông tin về phân biệt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và có tâm lý ngại động chạm đến việc kiện cáo khi mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng vì chưa nắm vững luật pháp. NTD cần thay đổi hành vi mua sắm và tiêu dùng của mình. Đặc biệt, khi mua hàng phải yêu cầu người bán cung cấp thông tin liên quan đến sản phẩm, hóa đơn chứng từ.
Phát huy vai trò quyền của người tiêu dùng
Các chuyên gia nhận định, tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam hiện nay không dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ mà thực sự trở thành “ngành công nghiệp đen”, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và sức khỏe NTD, gây hoang mang trong xã hội. Bên cạnh các biện pháp của DN và cơ quan chức năng thì vai trò của NTD trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái rất quan trọng. NTD cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng, nên chọn mua những mặt hàng có ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, hạn sử dụng… tại những cửa hàng, siêu thị có uy tín. Ngoài ra, mỗi NTD nên tự trang bị cho mình thêm kiến thức, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, để có cách tiêu dùng chuẩn mực, thông minh, tránh trở thành nạn nhân của nạn hàng giả, hàng nhái. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của NTD mà còn đảm bảo sự an toàn của chính bản thân khách hàng và gia đình. Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang (Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ), các DN cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ để nếu sản phẩm của mình có bị làm giả thì mới được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ. DN không nên coi việc chống hàng giả chỉ là trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật. Khi bị xâm phạm quyền chủ sở hữu, cần chủ động gửi đơn khiếu nại (hoặc thông qua văn phòng luật sư) đến các cơ quan chức năng. Về phía NTD cũng đẩy mạnh phát huy quyền của mình hơn nữa.
Bộ Công thương nhận định, những động thái, hành vi tích cực của NTD sẽ là yếu tố quan trọng góp phần đẩy lùi nạn hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang len lỏi trong đời sống hàng ngày. Đấu tranh chống hàng lậu, gian lận thương mại cũng là để tự bảo vệ mình; trước hết NTD cần thực hiện rốt ráo quyền và nghĩa vụ của mình mà luật pháp đã quy định khi mua hàng, như yêu cầu bên bán cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ. Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường... và thông tin đến cơ quan nhà nước khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của NTD; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của NTD.