Tiêu thụ nông sản - Vẫn qua kênh thương lái

“4 nhà” ở... riêng
Tiêu thụ nông sản - Vẫn qua kênh thương lái

Bộ NN-PTNT vừa thừa nhận, sau gần 10 năm thực hiện Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và liên kết “4 nhà” đến nay chỉ có vài phần trăm nông sản được tiêu thụ qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân. Do vậy, Bộ NN-PTNT đang chủ trì xây dựng đề án mới.

Nhà vườn Vĩnh Long thu hoạch bưởi Năm Roi chờ bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Lợi

Nhà vườn Vĩnh Long thu hoạch bưởi Năm Roi chờ bán cho thương lái. Ảnh: Huỳnh Lợi

“4 nhà” ở... riêng

Để tạo thị trường nông sản bền vững, giá cả thu mua ổn định, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 80/QĐ-TTg về phát triển tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, đặc biệt là mô hình liên kết “4 nhà” nhằm gắn sản xuất với thu mua và chế biến nông sản. Tuy nhiên, cho đến nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, mô hình liên kết “4 nhà” vẫn còn rất mơ hồ, trong đó mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn rất lỏng lẻo.

Theo ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, sau gần 10 năm, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân mới đạt dưới vài phần trăm, như lúa hàng hóa 2,1%, chè 9%, cà phê 2,5%, rau quả 0,9%, thủy sản 13%, gỗ 16,7%... Chỉ vài lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như trồng và tiêu thụ bông đạt trên 90%, thuốc lá 80%, nuôi bò sữa 80%.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT là do vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển bền vững các liên kết với nông dân chưa thể hiện rõ. Trong các ngành hàng như lúa gạo, cà phê, chè và hồ tiêu, doanh nghiệp thường thu mua qua thương lái để chế biến, tiêu thụ mà ít hợp đồng trực tiếp với nông dân.

Thậm chí ngay cả những doanh nghiệp đã liên kết với nông dân cũng chưa thực sự đáng tin cậy vì thường không thực hiện đúng điều khoản hai bên đã thỏa thuận, như cung ứng vật tư không đúng chất lượng, đơn phương phá bỏ hợp đồng, ít quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu, lạm dụng thế độc quyền để ép giá thu mua nông sản... Về phía nông dân cũng có những mặt hạn chế.

Theo ông Hồ Quế Hậu, nguyên Giám đốc Công ty Bông Đồng Nai, hiện là Phó trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, nơi đã thực hiện khá thành công mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tình trạng doanh nghiệp lo nhất khi hợp đồng với nông dân là nông dân thường âm thầm phá bỏ hợp đồng, bán nguyên liệu nông sản cho các nhà máy hoặc thương lái ở bên ngoài khi được họ trả giá cao hơn, khiến các doanh nghiệp, nhà máy khan hiếm nguyên liệu trầm trọng.

Bởi vậy tới nay, hầu như doanh nghiệp vẫn chỉ tiêu thụ nông sản cho nông dân thông qua thương lái. Theo Tổng Công ty Lương thực miền Nam, thương lái cung ứng 36% sản lượng gạo cho tổng công ty. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cũng thu mua tới 83% gỗ nguyên liệu rừng trồng qua thương lái.

Còn ông Đoàn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, cho biết hiện hơn 600 doanh nghiệp chè (trà) hầu như chưa ký hợp đồng thu mua nào với nông dân, chủ yếu đều dựa vào thương lái. Bên cạnh mặt lợi, còn mặt hại là doanh nghiệp rất khó kiểm soát chất lượng nông sản cũng như truy xuất nguồn gốc, trong khi nông dân bị ép giá thậm tệ, thậm chí thương lái có thể lũng đoạn thị trường... Cũng vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, mục tiêu liên kết “4 nhà” cho đến nay đã thất bại hoặc bị lãng quên.

Hướng tới đề án mới

Nguyên nhân chính vấn đề trên là do vai trò của Nhà nước chưa thực sự mạnh mẽ trong việc thiết lập cơ chế, chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân cùng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng cho biết, để khắc phục những mặt hạn chế, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 có tới 80%-95% mía đường, tôm, cá tra, cá basa và 15%-30% chè, lúa hàng hóa, cà phê, trái cây xuất khẩu, rau an toàn tiêu thụ thông qua hợp đồng, Bộ NN-PTNT đang xây dựng đề án mới về thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, đặc biệt về mía đường, rau an toàn, chè sạch, cà phê, cá tra, tôm nuôi, hồ tiêu, lúa và trái cây xuất khẩu...

Trong đó, điểm mới là Nhà nước sẽ tạo cơ chế đặc biệt để “hút” doanh nghiệp “bắt tay” nông dân, như hỗ trợ 30% khi doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu, giảm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu thuộc loại đặc biệt ưu tiên. Đặc biệt, Nhà nước sẽ có chế tài ràng buộc nông dân phải bán sản phẩm theo đúng hợp đồng cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua nông sản đảm bảo có lợi bền vững cho nông dân.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục