Cao Jia, 27 tuổi, ban ngày làm công việc hành chính tại một công ty du lịch. Nhưng đêm xuống, anh trang điểm đậm, khoác lên mình những bộ trang phục cầu kỳ và hóa thân vào cuộc sống của những phụ nữ với lứa tuổi khác nhau, hoàn cảnh gia đình, cá tính và nghề nghiệp khác nhau.
Cao Jia là một trong số ít những người trẻ tuổi đánh giá cao kinh kịch Trung Quốc và quyết định dấn thân vào thể loại nghệ thuật cổ này. Anh đã sống cuộc sống hai mặt như vậy từ lâu và nổi tiếng với vai Trang đán, tức diễn viên nam hóa trang thành nhân vật nữ để diễn xuất trong kinh kịch truyền thống của Trung Quốc. Vai diễn xưa kia ra đời trong bối cảnh các đoàn hát phải di chuyển nhiều khiến các diễn viên nữ gặp khó khăn trong việc thích nghi nên các diễn viên nam đảm nhiệm luôn các vai của nữ khi cần thiết.
Đó là câu chuyện của lịch sử. Nhưng hiện nay, Trang đán cùng nhiều hình thức nghệ thuật khác của kinh kịch Trung Quốc đang có nguy cơ chết dần nếu không có các nghệ sĩ trẻ tuổi như Cao tiếp nối truyền thống.
Đã hát Qinqiang từ 11 năm nay, Cao là “bậc thầy” trong biểu diễn nghiệp dư. Trong những năm qua, anh dành phần lớn thời gian rảnh rỗi của mình và tiền bạc để học các kỹ năng, mua trang phục, có khi lên tới hàng chục ngàn nhân dân tệ. Cao nói không hối tiếc, nhưng anh lo ngại nghệ thuật này có thể biến mất trong những năm tới, bởi rất ít người trẻ quan tâm đến nó trong xã hội hiện đại Trung Quốc.
“Để trở thành một Trang đán đòi hỏi thời gian, sự kiên nhẫn, tiền bạc, nhưng quan trọng hơn, nó cần sự thấu hiểu của người khác”, anh giải thích. Nhiều người diễn cùng anh không dám để cho gia đình biết họ đang học để trở thành Trang đán. “Gia đình tôi nghĩ rằng diễn Trang đán là yếu đuối và nghệ sĩ kinh kịch có địa vị xã hội thấp” - Chang Lei, người đang tập luyện một vở kịch mới với Cao tại Đại học Tây Bắc chia sẻ.
Đây cũng là lý do có rất nhiều sáng kiến mới vực dậy và phát triển nghệ thuật kinh kịch. Mới đây, cuộc thi diễn điệu Hoàng Mai (một thể loại ca vũ nhạc kịch cổ) vừa kết thúc, thu hút hàng trăm bạn trẻ đến từ Bắc Kinh, Thượng Hải và tỉnh Giang Tô tranh tài. Trong tháng này, Viện Hàn lâm nghệ thuật quốc gia công bố kế hoạch tuyển sinh chuyên ngành nhạc kịch Trung Quốc và tất cả được miễn học phí.
Nếu thành công, chương trình như vậy sẽ đảm bảo sự tồn tại của một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc từ lâu. Hiện Trung Quốc có 198 nhà hát biểu diễn kinh kịch, trong đó có hơn 120 nhà hát tư nhân, có thể dễ dàng tìm thấy ở tỉnh Thiểm Tây. “Nhưng chúng tôi lo lắng sẽ không có người thừa kế trong vài thập kỷ tới”, Tang Yunjun, một quan chức văn hóa tỉnh lo ngại.
Ở Trung Quốc, nhiều nhà hát địa phương đã phải đối mặt với khó khăn rất lớn, chẳng hạn như quản lý kém, chảy máu chất xám, kinh phí không đủ và thiếu tài năng mới. Chính phủ cũng có giúp cho khoản trợ cấp 5.000 NDT (khoảng 815 USD) cho các nghệ sĩ kinh kịch cấp nhà nước, 2.000 đến 3.000 NDT để biểu diễn cấp tỉnh, và 1.000 NDT cho những người cấp huyện trên cơ sở hàng năm. Nhưng như vậy chưa đủ. Ngày nay, sự phổ biến của nhạc pop và văn hóa phương Tây lấn át cả nghệ thuật kinh kịch cổ điển.
Nhiều chuyên gia nhận xét tuy không tránh khỏi thay đổi trong quá trình đô thị hóa nhưng dường như sự phát triển opera địa phương phụ thuộc quá nhiều vào người dân thành phố mặc dù nó có nguồn gốc từ nông thôn. Để thu hút sự chú ý của giới trẻ, kinh kịch nên thêm các yếu tố hiện đại hơn trong trang phục, thiết kế sân khấu và cốt truyện trong khi vẫn duy trì cách ca hát. Những biện pháp này sẽ mang lại nguồn sinh khí mới, vừa để bảo vệ văn hóa truyền thống và giúp cho nó năng động hơn.
HÀ TRANG