Tìm đâu giáo viên dạy sử hay?

Trong cái vòng luẩn quẩn đầu vào ngành sư phạm môn lịch sử thấp - chỉ đạt điểm sàn và đào tạo kém chất lượng thì khó có thầy dạy sử hay. Giải phẫu nghịch lý này như thế nào?

Trong cái vòng luẩn quẩn đầu vào ngành sư phạm môn lịch sử thấp - chỉ đạt điểm sàn và đào tạo kém chất lượng thì khó có thầy dạy sử hay. Giải phẫu nghịch lý này như thế nào?

        Giáo viên: yếu tố quyết định thành công

Ở bình diện chung, môn sử đang bị xem nhẹ và nhiều học sinh ngán học nhưng trong từng tiết học, nếu giáo viên biết cách dạy sử, truyền cảm hứng khám phá những sự kiện lịch sử thì giờ học đó vẫn hấp dẫn. Điều này cho thấy giờ học sử ở các trường phổ thông có thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên và phương pháp dạy sử thoát ra khỏi khuôn mẫu cứng nhắc của sách giáo khoa.

Mới đây, tại buổi tọa đàm “Đào tạo giáo viên dạy lịch sử ở Mỹ và kinh nghiệm cho Việt Nam” do Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) tổ chức, TS David M.Berman, giảng viên ĐH Bittsburgh (Mỹ), chia sẻ kinh nghiệm về dạy sử và đào tạo giáo viên. Theo ông, ngay ở nước Mỹ, nhiều học sinh cũng ngán học sử nếu dạy không theo phương pháp tiếp cận, khám phá sự kiện lịch sử. Để học sinh Mỹ thích thú học sử, nhà trường khuyến khích đi thực tế, đến hiện trường hoặc tham quan hình ảnh, xem video và giáo viên dẫn dắt, gợi mở các chi tiết giúp người học hiểu kỹ hơn về sự kiện lịch sử. Đồng tình với quan điểm này, TS sử học Nguyễn Nhã cho rằng, từ giáo viên đến học sinh Việt Nam không thích dạy và học sử là do sách giáo khoa nặng nề, áp đặt sự kiện. Đối với người học, bị ép học thuộc lòng, nhớ một cách máy móc về những con số, diễn biến, ý nghĩa của từng sự kiện lịch sử nên ai cũng ngán.

Nhìn lại thực tế đào tạo giáo viên dạy sử, chúng ta không thể không giật mình, buồn đến não lòng. Càng ngày, nguồn tuyển sinh ngành sư phạm môn lịch sử càng khan hiếm và dù hạ điểm tuyển xuống mức sàn, nhiều trường ĐH sư phạm vẫn có nguy cơ phải đóng cửa ngành học này do tuyển không đủ chỉ tiêu. “Đầu vào đã thấp nhưng đào tạo lại có vấn đề”. Đó là cảnh báo của PGS-TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM). Sự thờ ơ hay thiếu quan tâm đối với bộ môn này được minh chứng qua thực tiễn khảo sát của ông: Trong 11 cơ sở đào tạo ngành sư phạm lớn nhất cả nước, chỉ duy nhất Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có phòng bộ môn lịch sử và được trang bị bài bản. Nhiều năm qua, do đào tạo thiếu chuẩn, chất lượng kém là nguyên nhân dẫn đến đội ngũ giáo viên dạy sử phần đông yếu nghề, thiếu lửa và chỉ đóng vai thợ dạy đúng nghĩa. Dạy sử là dạy làm người, tái hiện hồn dân tộc để lớp trẻ thấu hiểu truyền thống hào hùng của cha ông, tự hào về cội nguồn. Vậy mà số đông học sinh phổ thông than thở rằng nhiều thầy cô dạy sử khô như ngói và luôn bám sát kiến thức chuẩn của sách giáo khoa khiến giờ học nặng nề, thiếu sinh khí.

        Chuyên gia sử học dạy sử: Bao giờ?

Theo TS David M.Berman, ở Mỹ trước đây để trở thành giáo viên dạy lịch sử chỉ cần có bằng cử nhân sau khi đào tạo 4 năm ở trường ĐH. Tuy nhiên cách đào tạo này không được đánh giá cao và sau này yêu cầu cao hơn, đòi hỏi mỗi giáo viên dạy sử phải trở thành chuyên gia về lịch sử. Như vậy, ngoài bằng cử nhân, những chuyên gia này phải học sau ĐH và khi hội đủ 2 loại bằng cấp mới được chứng nhận dạy phổ thông. Trông người mà ngẫm đến ta! Đòi hỏi này là chuyện xa vời đối với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam và trước mắt chúng ta phải làm gì để làm một cuộc cách mạng về giáo dục lịch sử?

Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, trong cuộc cải cách đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân sắp tới, chương trình sách giáo khoa sẽ được biên soạn lại. Cũng như nhiều môn học khác, yếu tố giáo viên đóng vai trò quan trọng và môn sử cũng đòi hỏi người dạy phải thay đổi phương pháp giảng dạy gợi mở, giúp học sinh khám phá, tìm hiểu sâu các sự kiện lịch sử qua thực tế, tranh ảnh, tư liệu thật. Để giờ học sử thêm sinh động, học sinh có thể tái hiện lịch sử bằng những thước phim, video clip… Không những thế, nhiều chuyên gia sử học còn đề xuất Việt Nam cần có chuẩn quốc gia môn sử nhằm giúp học sinh tự học, khai thác, sử dụng các nguồn tư liệu khác nhau. Như vậy sách giáo khoa chỉ là phương tiện, tài liệu tham khảo chứ không phải là nội dung bắt buộc học thuộc lòng như yêu cầu hiện nay.

Từ kinh nghiệm giảng dạy môn sử, cô Nguyễn Kim Tường Vy, Tổ trưởng bộ môn sử Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) kiến nghị Bộ GD-ĐT phải thay đổi cách kiểm tra, đánh giá kiến thức lịch sử. Một khi bộ chưa thay đổi cách kiểm tra, thi cử thì người dạy và người học vẫn bị xiết trong vòng kim cô nhồi nhét kiến thức lịch sử một cách máy móc. Thực tế cho thấy, học sinh vẫn thích học sử nhưng không thích học thuộc lòng và nhớ quá nhiều chi tiết, sự kiện. Vì thế đổi mới cách dạy sử và học sử là yêu cầu bức thiết, trong đó mục tiêu đào tạo giáo viên dạy sử đạt chuẩn phải đặt lên hàng đầu. Nếu mỗi giáo viên dạy sử biết cách thổi luồng sinh khí vào giờ học, giúp học sinh hiểu rõ cội nguồn, hồn dân tộc qua từng trang sử anh hùng thì môn sử không bao giờ bị xem là môn phụ, học một cách miễn cưỡng.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục