Tìm giải pháp để sân khấu bớt lo âu

Ở các tỉnh phía Bắc, sau đợt giãn cách xã hội kéo dài, nhiều nhà hát hoạt động trở lại. Tuy nhiên, nghệ thuật biểu diễn là lĩnh vực đặc thù liên quan đến việc tập trung đông người, nên luôn chịu ảnh hưởng đầu tiên và phục hồi sau cùng.
Chương trình tạp kỹ dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi Trẻ
Chương trình tạp kỹ dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi Trẻ

Khó khăn tài chính

Tính từ tháng 3 đến nay, thị trường biểu diễn “đóng băng” hoàn toàn. Covid-19 ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp biểu diễn nói chung, vì thế, ngay trong những ngày thiết lập trạng thái bình thường mới, nhiều nhà hát đã có một số chuyển động tích cực. Sân khấu tư nhân Lệ Ngọc ở Hà Nội cũng đã bắt tay vào dàn dựng vở diễn mới để tham gia Liên hoan Sân khấu hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân. Nhà hát Kịch Việt Nam khởi công vở Nữ cảnh sát, tác giả Nguyễn Quang Vinh, đạo diễn Hoàng Lâm Tùng. Sâu khấu Nhà hát Tuổi Trẻ đang chuẩn bị 2 chương trình thiếu nhi nhân dịp 1-6.

Không chỉ lãnh đạo các nhà hát mà ngay mỗi diễn viên, nghệ sĩ cũng mong muốn quay trở lại nhịp sống thường nhật để được làm nghệ thuật. Mừng vì sân khấu mở cửa trở lại, song thực tế vẫn có một nỗi lo lắng là liệu tổ chức biểu diễn trong lúc này thì đã có khán giả? Đại diện các nghệ sĩ Liên đoàn Xiếc Việt Nam lo lắng: Dù đã hết giãn cách xã hội nhưng sân khấu xiếc vẫn đang chuyển động rất chậm bởi khán giả của xiếc chủ yếu là thiếu nhi. Tại thời điểm này, các cháu còn đang đi học bù, thi bù.

Còn với các sân khấu nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương thì mùa biểu diễn là các lễ hội xuân cũng đã qua rồi, bởi thế có dựng và ra vở mới cũng chưa thể biểu diễn ngay. Vì vậy, các nghệ sĩ chưa nhiệt tình luyện tập mà bản thân các nhà hát sau nhiều tháng không hoạt động cũng không còn đủ mạnh về kinh tế để đầu tư lớn cho vở mới.

NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, thừa nhận vấn đề khó khăn mà các nhà hát phải đối mặt là tài chính. Chất lượng vở diễn, tiền lương cho nghệ sĩ và kinh phí đầu tư dàn dựng, quảng bá… vẫn là nỗi lo thường trực. Do vậy, dù đã được hoạt động trở lại, nhưng nhiều sân khấu vẫn chìm trong cảnh “trướng rủ, màn che”. Để trở lại với nhịp hoạt động ban đầu, sẽ cần một khoảng thời gian khá dài.

Tìm “phao cứu sinh”

Trong những ngày đầu tháng 5, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã tìm cách tiếp sức cho ngành biểu diễn. Và mô hình xây dựng “Nhà hát online” là một trong những giải pháp được kỳ vọng là “cứu cánh” đối với sân khấu trong thời điểm tới.

Trên thế giới, nhiều quốc gia làm tốt vấn đề này. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều nhà hát, đơn vị biểu diễn lớn trên thế giới đã chọn hình thức online để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật với khán giả. Một trong số đó là chương trình liveshow kéo dài gần nửa tháng của nhà hát ballet nổi tiếng thế giới Bolshoi (Nga). Những chương trình biểu diễn này không chỉ tiếp tục thực hiện sứ mệnh của nghệ thuật là vực dậy tinh thần cho khán giả mà cũng là cách “làm thương hiệu”, khiến cả thế giới biết đến nghệ thuật ballet của Nhà hát Bolshoi.

Tại Việt Nam, theo nhận định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc ứng dụng công nghệ 4.0 đối với công nghệ quảng bá, lan tỏa sản phẩm nghệ thuật chưa được các nhà hát trong nước tận dụng và quan tâm đúng mực. Bởi thế, một kế hoạch cùng nhau vượt khó đã được xúc tiến xây dựng. Các nhà hát tập trung xây dựng tác phẩm để biểu diễn, Cục sẽ hỗ trợ việc đưa ứng dụng công nghệ vào quảng bá, lan tỏa đến đông đảo khán giả theo mô hình “Nhà hát online”. Kế hoạch này được đón nhận hào hứng, tuy nhiên, “Nhà hát online” chỉ là một giải pháp mở, phù hợp với thời điểm mà khán giả đang có tâm lý e ngại chưa muốn đi xem biểu diễn trực tiếp. Vấn đề mấu chốt là phải làm sao kéo được khán giả đến rạp, bởi rất cần sự tương tác giữa nghệ sĩ và khán giả.

Theo đề xuất của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đã thống nhất với giải pháp sẽ hỗ trợ tài chính cho các nhà hát của bộ tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn cũng như tại địa điểm biểu diễn của đơn vị. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật của Bộ VH-TT-DL sẽ có cuộc ra quân đồng loạt. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng đề nghị các nhà hát phải có sự thay đổi tư duy trong sáng tạo. “Có quá nhiều những chương trình nghệ thuật thể hiện một cách làm sơ sài, đơn giản từ nội dung cho tới cảnh trí. Nếu cứ dựng và diễn theo lối cũ thì các đơn vị nghệ thuật này xin hãy đừng kêu ca vì sao không có khán giả?”, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.

Về phía các nhà hát, các nghệ sĩ cũng mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ xây dựng chính sách phát triển nghệ thuật biểu diễn như tăng cường đặt hàng tác phẩm chất lượng cao, xây dựng các đề án phát triển đối với từng loại hình nghệ thuật, đặc biệt là đối với sân khấu truyền thống... Nhiều nghệ sĩ kỳ vọng, cùng với việc trợ giúp về kỹ thuật, Bộ VH-TT-DL cần hỗ trợ tổ chức các buổi biểu diễn cho các đơn vị, nhà hát, góp phần kích thích sức làm việc, sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời đưa khán giả dần trở lại với sân khấu sau một thời gian dài giãn cách xã hội. 

Theo TS Bùi Hoài Sơn, về dài hạn vẫn cần thành lập quỹ hỗ trợ văn hóa - nghệ thuật ứng phó với khủng hoảng; xây dựng những chương trình có sự hợp tác công - tư dài hơi và tổng thể để tạo điều kiện cho các tổ chức ở khu vực doanh nghiệp và các không gian, nghệ sĩ ngoài công lập có môi trường thuận lợi sáng tạo. Có như vậy, nghệ thuật mới bớt lo âu.

Tin cùng chuyên mục