Tìm mình trong thanh âm podcast

Giữa những màu sắc đa dạng đến phức tạp và có phần xô bồ của mạng xã hội, nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm đến chuyện lắng nghe một cách có chiều sâu. Họ chia sẻ góc nhìn cá nhân về nhiều vấn đề trong cuộc sống, để tìm cho mình một thanh âm bình yên giữa những ồn ào từ thế giới mạng đến nhịp sống hiện đại.

Podcast “chữa lành”

Khi nhu cầu giải trí của giới trẻ thay đổi, nhất là thế hệ gen Z với những quan điểm khác biệt về nhu cầu thưởng thức sản phẩm tinh thần, vài năm trở lại đây podcast (là chuỗi tập tin âm thanh hoặc đôi khi là video mà người dùng có thể tải về để thưởng thức) được giới trẻ quan tâm như một hình thức lắng nghe có chiều sâu. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông nhìn nhận, podcast là xu hướng “nghe báo” mới của giới trẻ hiện đại.

Poster giới thiệu chuỗi podcast “Người trẻ và di sản”
Không dừng lại ở tin tức, nội dung theo tính thời sự, các kênh podcast được xây dựng nội dung chia sẻ sâu hơn về những vấn đề trong cuộc sống, nhất là “chữa lành” tổn thương tâm lý trong giới trẻ. Bắt đầu quan tâm đến podcast trong thời gian giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19 vừa qua, Phan Hoài Phong (26 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) chia sẻ: “Trước đây, tôi chủ yếu nghe nhạc để giải trí và học Anh văn. Mấy tháng rồi ở nhà vì dịch, tôi bắt đầu nghe thử podcast, đúng là rất hay vì nó chia sẻ những chủ đề đúng vào tâm lý giới trẻ. Tôi quan tâm đến vấn đề chữa lành tổn thương tâm lý, nên nghe những kênh chia sẻ này, học cách vượt qua những khủng hoảng của chính mình. Dịch bệnh phải ở nhà, giảm lương, chia tay bạn gái và gia đình có người thân không may qua đời vì Covid-19 khiến tôi khủng hoảng lắm. Cũng may mà tìm được chút gì đó xoa dịu từ podcast. Tiện hơn nữa là muốn nghe lại lúc nào cũng được, không phải dò sóng, bắt tần số như radio”.

Để lại dòng bình luận “cảm ơn” dưới chuỗi podcast “Bình yên giữa biến động”, Nguyễn Lê Thanh Nhàn (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) kể: “Suốt mấy tháng giãn cách vừa rồi, nếu không nghe podcast này chắc tôi khủng hoảng nhiều. Vừa tốt nghiệp, đi làm không đầy 3 tháng phải nghỉ vì dịch Covid-19, rồi ba mẹ tôi trở bệnh ngay lúc dịch, họ hàng bên nội có người mất vì dịch bệnh, không khí gia đình nặng nề lắm. Tôi tìm đến chuỗi podcast này qua lời giới thiệu của một người bạn, tưởng nghe như một cách để giết thời gian nhưng không ngờ lại giúp mình “chữa lành” đến thế”.

Công nghệ chưa phải là thử thách

Thành phẩm của podcast thường là các tệp dưới dạng âm thanh, nhưng không phải cứ ghi âm hay thu âm cuộc trò chuyện, bài chia sẻ… là có thể thành podcast. “Để tập tin âm thanh trở thành podcast, người tạo podcast phải lưu trữ chúng trên một máy chủ và tạo một nguồn cấp dữ liệu RSS (RSS feed) riêng. RSS feed phải tuân theo một khuôn mẫu kỹ thuật và có thể truy cập Internet. Thông thường ở công đoạn này, người sáng tạo nội dung podcast sẽ thuê hoặc mua dịch vụ từ các Podcast Hosting để lưu trữ Audio File và tạo nguồn cấp dữ liệu RSS feed để phân phối podcast trên toàn bộ Internet”, Nguyễn Hồ Thanh Nhân (26 tuổi, kỹ sư công nghệ) cho biết.

Tuy nhiên, dưới sự hỗ trợ của công nghệ trong lĩnh vực nghe nhìn như hiện tại, vấn đề kỹ thuật không phải là thử thách lớn của những bạn trẻ theo đuổi công việc sáng tạo nội dung podcast. Cái chính là nội dung phải thu hút và giữ chân người nghe. Phụ trách chuỗi podcast “Người trẻ và di sản” thuộc Hội Di sản Văn hóa TPHCM, anh Danh Trần (tác giả sách Paris những mùa yêu) chia sẻ: “Các thành viên trong nhóm dành sự quan tâm về di sản, một chủ đề khá khó trong việc thu hút số đông bạn trẻ như những chương trình giải trí khác. Mỗi tập phải thiết kế nội dung làm sao để giữ chân người trẻ có thể lắng nghe trọn vẹn. Bộ phận kỹ thuật cũng không quá áp lực trong sản xuất mỗi tập podcast, chủ yếu là cả nhóm tập trung làm nội dung, tìm khách mời phù hợp. Hiện tại, có rất nhiều nền tảng để chia sẻ và hỗ trợ làm podcast, quan trọng ở chỗ chúng ta sáng tạo nội dung ra sao. Nếu podcast không thật sự hấp dẫn thì người ta xem video, lướt mạng xã hội chứ nghe podcast làm gì, khi nó không có nội dung mới và đủ hấp dẫn”.

“Nguồn thu nhập từ các nền tảng mạng xã hội của tôi chủ yếu thông qua các video hoặc bài viết quảng cáo, còn kênh podcast chỉ mới dừng ở mức làm cho thỏa đam mê thôi. Nhưng tôi nghĩ chuyện làm podcast không vì kinh tế cũng hay, khiến mình chia sẻ cởi mở hơn và nội dung không bị nhà tài trợ chi phối. Một số kênh podcast hiện nay có lượng theo dõi rất lớn, nhưng họ làm như một sự động viên nhau trong những ngày khó khăn vì giãn cách chống dịch, không lợi nhuận gì cả. Những nội dung như vậy mới là nghe có chiều sâu, là cách để “chữa lành” tâm hồn mỗi người, chứ không phải cứ mãi chạy theo xu hướng ồn ào, vội vã vì lợi nhuận”, Trần Ngọc Thanh Phương (24 tuổi, người sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội) bày tỏ.

Mỗi tập podcast trên các nền tảng trực tiếp có thể tiếp cận hàng triệu khán giả chỉ trong vài phút. Nhưng các podcast hiện tại thường miễn phí, và người trẻ theo đuổi công việc sáng tạo nội dung từ kênh này hiện nay chủ yếu làm vì thích, bày tỏ cảm xúc, kinh nghiệm hoặc vì mục tiêu chia sẻ kiến thức với cộng đồng… Và cái chính, thói quen nghe có tính phí trong nước hiện nay chưa cao.

Tin cùng chuyên mục