Trên thực tế, đọc sách trong nhà sách không phải là một việc được các đơn vị kinh doanh nhà sách ủng hộ. Đa số nhà sách thuộc loại lớn hiện nay đều có diện tích khá hạn chế so với số lượng sách được bày bán. Điều này dẫn đến các quầy kệ trưng bày sách phải thiết kế sát nhau, tuy thuận lợi cho người đi tìm sách nhưng hoàn toàn không phù hợp cho nhu cầu đọc sách. Muốn đọc, độc giả phải chấp nhận đứng tại chỗ, đồng nghĩa gây cản trở, khó khăn cho những người mua sách khác.
Nhận thấy thực tế đó, nhiều đơn vị làm sách, kinh doanh sách đã tìm cách thay đổi. Một trong những biện pháp tiêu biểu nhất là mở quán cà phê sách, kết hợp giữa quán cà phê thư giãn và đọc sách. Tiêu biểu cho các mô hình này là hệ thống nhà sách của Công ty văn hóa Phương Nam, hệ thống nhà sách Cá Chép của Công ty sách và lịch Đại Nam… Nhược điểm rõ nhất của mô hình này là sự phân chia rõ sách và quán, bạn đọc phải mua sách rồi mới vào quán nên quán chỉ đóng vai trò một dịch vụ kèm theo hơn là mang lại sự thay đổi cho văn hóa đọc của nhà sách. Một mô hình khác là nhà sách nhưng thiên về đọc hơn là kinh doanh sách, tiêu biểu là Nhà sách Kim Đồng (đường Cống Quỳnh, quận 1). Nhà sách này là hình mẫu một “nhà sách để đọc sách”, nằm ngay khu trung tâm, có không gian rộng rãi, khu vực đọc sách thiết kế hòa lẫn với quầy sách để bạn đọc có thể cầm bất cứ cuốn sách nào và đọc cả ngày.
Đầu tháng 12 vừa qua, TPHCM xuất hiện một mô hình nhà sách kiểu mới, cũng mang đậm yếu tố “nhà sách để đọc sách” nhưng có sự đa dạng và rộng lớn hơn nhiều so với nhà sách của NXB Kim Đồng. Đó là nhà sách mang tên Thành phố sách Phương Nam Book - The Garden Mall do Phương Nam (PNC) thực hiện, tại đường Hồng Bàng, quận 5 (Trung tâm thương mại The Garden Mall, trước đây là tòa nhà Thuận Kiều Plaza). Nhà sách có diện tích gần 3.000m2, gấp 10 lần diện tích một nhà sách loại lớn hiện nay (vào khoảng 300m2) nhưng lượng sách chỉ tương đương, khoảng 50.0000 đầu sách nội và gần 1 triệu bản ngoại văn. Xung quanh khu kệ sách có rất nhiều hàng ghế salon, ghế đẩu cao, thậm chí có cả bàn và ghế để làm việc. Khu thiếu nhi thiết kế một không gian rộng gần gấp đôi gian sách thiếu nhi, với hàng loạt tấm nệm để bạn đọc nhỏ tuổi có thể nằm, ngồi đọc sách.
Có thể nói, mô hình Thành phố sách của PNC đã đem lại cho bạn đọc TP một hình thức thưởng thức văn hóa đọc mới từ một nhu cầu cũ. Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ như, với kinh phí đầu tư quá lớn cho một nhà sách như vậy có phải là sự phiêu lưu, hay việc xử lý sách cũ, hư hỏng, ảnh hưởng của việc đọc sách tự do trong kinh doanh sách… Nhưng không thể phủ nhận, cùng với Đường sách TPHCM, các Thành phố sách (Thành phố sách thứ 2 dự kiến khai trương ngày 18-1 tại đường Sư Vạn Hạnh, quận 10) đã đem đến cho bạn đọc một không gian hưởng thụ văn hóa đọc mới lạ và hấp dẫn.