Tìm về địa chỉ đỏ

Chúng tôi từ TPHCM tìm về thăm quê Bác tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An những ngày tháng 5 với nhiều cảm xúc khó tả. 
Ngôi nhà tranh năm gian quê nội Bác ở làng Sen
Ngôi nhà tranh năm gian quê nội Bác ở làng Sen
Đến làng Sen quê nội của Bác, bước chân trên những con đường được che phủ dưới những rặng tre xanh, bóng cây bạch đàn mát rượi, chúng tôi được hướng dẫn đến một ngôi nhà lá năm gian mái tranh che phên dường như không ngớt người viếng thăm.
Trong nhà vẫn còn giữ các hiện vật bàn thờ, án thư, tủ sách, phản gỗ, mâm gỗ, chiếc võng, rương gỗ, tủ 2 ngăn đựng chén đũa... Ngôi nhà này do nhân dân làng Sen đóng góp tiền cùng nhau xây dựng làm quà mừng dịp cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng khoa thi Hội năm 1901.

Xung quanh nhà bao bọc bởi hàng rào cây cối tươi tốt, vuông vức, thẳng tắp. Trước nhà có vườn rau xanh, vài cây cam và bưởi, đường dẫn vào nhà có hàng cây dâm bụt bên phải và hàng cây vỏ ốc bên trái, tạo vẻ đẹp thanh lịch, nhẹ nhàng, thông thoáng. Hàng cau vươn cao sau nhà đều thẳng vút. Đứng ở đây thử phóng tầm mắt ra xa hầu như ai cũng thấy và cảm nhận một bức tranh cảnh miền quê nồng nàn, gần gũi, thân thương. 

 Chúng tôi được hướng dẫn đến làng Hoàng Trù, hay còn gọi làng Chùa quê ngoại của Bác, cách làng Sen 2km. Làng quê này bình dị như bao làng quê khác ở Việt Nam nhưng lại nổi tiếng và được nhiều người biết đến vì là nơi Bác sinh ra, cất tiếng khóc chào đời. Gần đó, nhà cụ Hoàng Xuân Đường (ông ngoại của Bác) là nơi vun đắp tình cảm của ông ngoại, bà ngoại và gia đình dành cho Bác, cũng là một ngôi nhà tranh che phên... 

 Một anh bạn đồng nghiệp đi cùng, thì thầm vào tai tôi: “Ngạc nhiên vì khác với những gì mình hình dung. Xúc động quá, mọi thứ đều giản dị mà hun đúc nên nhân cách cho một con người vĩ đại. Phải chăng những gì vĩ đại đều chứa đựng trong đó những gì giản dị?”.

Tuổi thơ Bác gắn liền với những ngôi nhà ở quê nội và quê ngoại, đơn sơ, mộc mạc, giản dị mà đã ảnh hưởng vô cùng quan trọng đến nhân cách cao quý, lòng nhân ái của Bác. Khi đã trở thành vị lãnh tụ đất nước, Bác vẫn giữ nguyên ngôi nhà tranh cùng các kỷ vật.

 Thăm ngôi nhà tranh đơn sơ gắn liền tuổi thơ còn là nơi Bác được sinh ra, làm tôi nhớ đến nội dung môn học tư tưởng Hồ Chí Minh. Mỗi kỷ vật, góc nhà, mái hiên, cây cối đều mang đến nỗi xúc động khôn tả, như nhắc lại cuộc đời vô cùng thanh cao giản dị của Bác. Làm Chủ tịch nước, Bác chỉ ở và làm việc trong ngôi nhà sàn vẻn vẹn chỉ hơn 10m2, không sơn son, không thếp vàng, không vật chất mắc tiền, mà chỉ thấy ở nơi ấy ý tưởng trồng cây, trồng người, chân lý dựng nước và giữ nước, toàn tâm phụng sự nhân dân. Chiếc áo người dân tặng, Bác mặc nhiều năm, rách ở vai đã vá một lần, rách lần thứ hai thì phục vụ xin phép thay chiếc áo mới, nhưng Bác từ chối và nói: “Chủ tịch nước mặc áo vá vai thế này là cái phúc của dân, đừng bỏ cái phúc đó đi”. Đôi dép cao su dùng đã nhiều năm, quai bị tuột, đế dép mòn vẹt, Bác không cho thay đôi dép mới. Ngay cả đôi tất và chiếc khăn lau mặt đã rách, chiếc chiếu nằm đã sờn nhưng Bác vẫn giữ lại sử dụng, không cho thay mới.

Bản sắc văn hóa hay vẻ đẹp bất tận Việt Nam lắm khi đâu chỉ là cái gì đó hoành tráng, lộng lẫy, hay cổ kính như cung điện, kinh thành, lăng tẩm, lễ hội lớn, mà còn là những gì gần gũi như ngôi nhà đơn sơ hun đúc nên một nhân cách lớn. Nhiều người quan niệm du lịch phải tìm đến những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nơi lấp lánh vui chơi hoặc đi chỗ thật xa ở nước ngoài, đâu biết đã bỏ lại những giá trị ý nghĩa.   

Tận mắt chứng kiến và nghe kể về thân thế, sự nghiệp, thời thơ ấu của Bác là nguồn động viên để tôi rèn luyện bản thân. Đây còn là trải nghiệm thú vị, là dịp cho tôi học tập thực tế về tư tưởng, phong cách, đạo đức của Bác.

Tin cùng chuyên mục